Phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường

07:38 - Thứ Hai, 12/09/2022 Lượt xem: 4262 In bài viết

ĐBP - Mùa tựu trường cũng là thời điểm thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Đặc biệt, với trẻ em, đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh cao do hệ miễn dịch còn non yếu. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên chú ý các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.

Nhân viên y tế học đường Trường PTDTBT Tiểu học Trung Thu, xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay để phòng bệnh.

Sau 1 tuần đầu đến trường làm quen với lớp, bé Nguyễn Minh Châu, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) xuất hiện tình trạng chảy nước mũi, ngạt mũi, ho và sốt nhẹ. Sau khi được gia đình đưa đi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị mắc cúm mùa và kê thuốc cho bé điều trị tại nhà.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Lan Hương, Phó Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), vào mùa tựu trường số trẻ nhập viện điều trị thường tăng so với các tháng đầu năm, chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho vi rút, vi khuẩn, nấm mốc phát triển, gây bệnh. Cùng với đó, cơ thể trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên nguy cơ nhiễm bệnh cao. Khi trẻ hòa nhập môi trường mới, giao lưu, tiếp xúc nhiều nơi đông người nên dễ tiếp xúc với mầm bệnh, khả năng lây nhiễm chéo và tốc độ lây truyền nhanh. Một số bệnh khiến trẻ có nguy cơ mắc phải trong mùa tựu trường như: Viêm đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi, cúm), Covid-19, tay chân miệng, sốt vi rút (siêu vi), nhiễm trùng đường ruột... Trong đó, nhiều bệnh lý nguy hiểm dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường như: Covid-19, viêm phổi, viêm họng cấp, sốt xuất huyết... nếu cha mẹ không thận trọng chăm sóc đúng cách, có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Để phòng bệnh cho trẻ trong dịp đầu năm học mới, cần sự kết hợp của nhà trường, phụ huynh trong việc hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh tại trường học, khu vực công cộng; chế độ học tập, sinh hoạt cần sắp xếp phù hợp. Theo khuyến cáo của bác sĩ, số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại, cha mẹ cần chuẩn bị đầy đủ vật dụng phòng dịch cho bé như trang bị gel rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, bình nước riêng. Với nhóm trẻ mẫu giáo, các bé thường không chịu đeo khẩu trang nên phụ huynh cần thường xuyên vệ sinh mắt, mũi cho trẻ và thực hiện vệ sinh cá nhân sau khi tan học như tắm rửa, lau mặt, thay quần áo.

Sau thời gian nghỉ hè, thói quen sinh hoạt của trẻ thường bị đảo lộn. Vì thế, khi nhập học trở lại, phụ huynh cần rèn cho trẻ giờ giấc sinh hoạt ổn định, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng cho cơ thể, ít mắc bệnh vặt. Trong những ngày đi học, nếu trẻ bị bệnh - đặc biệt bệnh lây nhiễm, cần cách ly trẻ ở nhà chăm sóc. Trong trường hợp trẻ mắc các bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao như Covid-19, tay chân miệng, cúm A thì gia đình nên thông báo cho giáo viên chủ nhiệm nhằm kịp thời giúp nhà trường tiếp tục phát hiện, theo dõi ngăn chặn lây lan trong lớp học. Bên cạnh việc phòng bệnh trên lớp, ngay tại gia đình cũng có thể xuất phát một số bệnh truyền nhiễm như Covid-19, cúm, sốt xuất huyết... vì vậy, phụ huynh tuyệt đối không chủ quan, lơ là và chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Việc tiêm phòng đầy đủ sẽ giúp bảo vệ trẻ trước các bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin dự phòng như: Cúm, ho gà, sởi, thủy đậu, viêm phổi, viêm màng não, lao, rubella, quai bị, viêm não Nhật Bản, bệnh do phế cầu, bệnh tiêu chảy cấp do Rota vi rút... Đặc biệt, hiện là cao điểm dịch sốt xuất huyết, phụ huynh cần phải lưu ý trong cách phòng tránh trẻ bị muỗi đốt, sử dụng xịt đuổi muỗi xuất xứ tự nhiên, an toàn cho trẻ, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, diệt lăng quăng, bọ gậy.

Châu Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top