Video

Điện Biên – Khúc hát hòa bình

Chủ Nhật, 05/05/2019 19:07 Lượt xem: 8215 In bài viết

ĐBP - Ngôi nhà của chiến sĩ Điện Biên Phủ Bùi Văn Tỉnh hôm nay rộn rã tiếng nói cười của những vị khách. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tháng 5, lớp lớp thế hệ con cháu lại tìm đến để được lắng nghe những câu chuyện lịch sử từ ông. Chiếc áo lính đã sờn, nhưng tấm huy hiệu chiến sĩ Điện Biên thì vẫn nằm ngay ngắn trên ngực. Dành cả thanh xuân để chiến đấu, rồi hơn nửa phần đời gắn bó, dựng xây mảnh đất này nên những người lính như ông là hiểu rõ nhất sự đổi thay của mảnh đất Điện Biên lịch sử vốn là chiến trường ác liệt năm xưa. Cùng với những ký ức hào hùng thì sự khởi sắc vượt bậc của Điện Biên chính là điều luôn khiến ông và đồng đội tự hào, phấn khởi.

Để có một Điện Biên phát triển ngày hôm nay, ngay sau chiến thắng 65 năm trước, rất nhiều chiến sĩ Điện Biên như ông Tỉnh đã hành quân trở lại chiến trường xưa, cùng bắt tay xây dựng lại mảnh đất bom cày đạn xới. Vẫn là đôi bàn tay ấy, trên từng tấc đất ấy, nhưng thay vì cầm súng thì nay họ lại cầm cuốc, cầm liềm để khai hoang, cải tạo đồng ruộng, phát triển sản xuất. Bằng ý chí, sự quyết tâm, đồng lòng và tinh thần đoàn kết của mỗi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc, những hố bom, hầm hào năm xưa nay đã phủ một màu xanh bạt ngàn của đồng lúa, nương ngô và những cánh rừng. Hạt gạo Mường Thanh và những sản vật nức tiếng, như: Chè Shan tuyết Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng… đã ngày một bay xa và từng bước xây dựng thương hiệu Điện Biên.

Him Lam – nơi từng được mệnh danh là “cánh cửa sắt” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nay là phường cửa ngõ của thành phố, với phố xá tấp nập, những mái nhà khang trang, con đường nhựa rộng mở dẫn lối du khách về với Điện Biên Phủ. Sau 65 năm, Him Lam hiện đã trở thành một trong những phường phát triển bậc nhất của thành phố, với 26 tổ dân phố, bản. Được sự quan tâm, đầu tư từ các cấp; tận dụng lợi thế của địa phương, Him Lam đang phát triển rất tốt các loại hình kinh doanh dịch vụ, du lịch và thương mại. Cuộc sống người dân đã bước sang một trang hoàn toàn mới, nhịp sống của một đô thị miền núi.

Còn đây, Đồi A1 – nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất của Chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Vẫn còn đó hầm hào, thép gai và hố bộc phá… là chứng tích của 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm” 65 năm trước. Cùng với hàng chục điểm di tích khác nằm trong Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, Đồi A1 đã và đang là địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách bốn phương khi đến với Điện Biên.

Tôn trọng lịch sử, Điện Biên đã và đang đi đúng hướng khi bảo tồn, gìn giữ và khai thác tốt những giá trị đó để phát triển du lịch. Với vị trí địa lý “đắc địa” và hoàn cảnh lịch sử để lại như vậy, Điện Biên nằm trong số ít địa phương hội tụ hầu như đầy đủ các hình thái du lịch hấp dẫn, như: Du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh… Từ năm 2014, là năm kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Điện Biên đã bắt đầu đưa vào tổ chức Lễ hội Hoa ban, không chỉ để tôn vinh hình ảnh loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, mà còn minh chứng với bạn bè năm châu rằng, hoa đã nở trên mảnh đất chiến trường năm xưa. Đồng thời, đây cũng là nơi hội tụ, phô diễn và quảng bá đầy đủ những nét đẹp trong văn hóa, ẩm thực của cộng đồng các dân tộc địa phương.

Mùa hoa ban cũng là mùa khai hội du dịch của Điện Biên. Vài năm trở lại đây lượng khách du lịch đến với Điện Biên Phủ tăng lên rõ rệt qua mỗi năm. Riêng năm 2018, lượng khách du lịch đến Điện Biên đạt hơn 700.000 lượt, tăng 13,2 lần so với năm 2005; thu nhập từ du lịch đạt 1.155 tỷ đồng, tăng 23,1 lần so với năm 2005. Xác định du lịch là mũi nhọn phát triển kinh tế, mà trong đó du lịch lịch sử là cái lõi, nên những năm gần đây, Điện Biên đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư để phát huy tối đa giá trị lịch sử trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hội nhập.

Vượt lên từ đau thương, đổ nát của chiến tranh 65 năm trước, Điện Biên hôm nay đã vươn mình khoác lên bộ áo mới đầy sức sống và giàu tiềm năng. Đặc biệt là kể từ dấu mốc quan trọng chia tách từ tỉnh Lai Châu (cuối năm 2003), Điện Biên đã có những bước tiến vững chắc, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển cho riêng mình. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song sau 15 năm bứt phá, Điện Biên đã khởi sắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 7,87%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Những năm gần đây, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bước đầu đã phát huy hiệu quả, Điện Biên dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nông dân Điện Biên đã có bước tiến mới trong sản xuất, dần tiếp cận và làm chủ công nghệ, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại với sản phẩm chất lượng cao. Các chương trình, dự án lớn đã làm thay đổi diện mạo, đời sống người dân từ thành thị tới các vùng nông thôn. Không chỉ “no cơm, ấm bụng”, mỗi người dân Điện Biên đang hướng đến một cuộc sống đủ đầy hơn cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Điều đó thể hiện không chỉ trong mỗi mái nhà, con đường, ngõ phố, mà trên từng nét mặt của đồng bào.

Những ngày tháng 5 lịch sử này, đi trên con đường rộng thênh thang rợp sắc cờ đỏ sao vàng, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của một thành phố trẻ lớn lên từ đau thương, đổ nát. Các hoạt động chào mừng kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang rộn rã, càng làm cho khí thế, tinh thần Điện Biên thêm dạt dào, tự hào trong lòng mỗi người dân. Trong mỗi ngôi nhà mái đỏ khang trang lại rộn ràng vang lên những khúc hát về một Điện Biên của hòa bình, no ấm. 

Hà Linh

Back To Top