Còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong cải cách hành chính

09:50 - Thứ Hai, 04/10/2021 Lượt xem: 3139 In bài viết

ĐBP - Năm 2020, công tác cải cách hành chính (CCHC) tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao các chỉ số liên quan đến CCHC. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập, như: Trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao; việc thực hiện các thủ tục hành chính liên thông còn hạn chế; còn tình trạng quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính…

Cán bộ bộ phận “Một cửa” xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Năm 2020, kết quả chỉ số CCHC của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đạt ở mức khá với tỷ lệ 77% tổng số điểm. Một số lĩnh vực có tỷ lệ điểm trung bình đạt mức cao, như: Lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 89,18%; cải cách tổ chức bộ máy hành chính đạt 84,43%… Kết quả này cho thấy mức độ quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các ngành, địa phương với công tác CCHC. Song bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế: Một số lĩnh vực có tỷ lệ điểm thấp, nhất là hiện đại hóa hành chính (65,23%) và cải cách tài chính công (70,11%). Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được lãnh đạo quan tâm đúng mức; chưa coi trọng dẫn đến kết quả thấp qua nhiều năm. Nhiều nhiệm vụ chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, còn mang tính hình thức như: Việc chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; dịch vụ bưu chính công ích và công tác tự kiểm tra, báo cáo...

Năm 2020 có 9/19 sở, ngành bị giảm từ 1 - 5 bậc so với năm 2019. Trong đó giảm sâu nhất là Sở Giao thông vận tải và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng giảm 5 bậc; tiếp đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ giảm 4 bậc; xếp cuối bảng là Sở Ngoại vụ với tỷ lệ điểm trung bình 69,78%. Đối với UBND cấp huyện có 5/10 đơn vị giảm từ 1 - 5 bậc, gồm: huyện Điện Biên giảm nhiều nhất (5 bậc), các huyện Điện Biên Đông, Mường Chà và TX. Mường Lay đều giảm 3 bậc. Trong đó TX. Mường Lay từ vị trí thứ nhất (năm 2019) tụt xuống vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng; đứng cuối cùng là huyện Mường Nhé với tỷ lệ điểm 56,17%.

Nguyên nhân của việc tụt hạng trên là do điểm các tiêu chí giảm. Ví dụ tiêu chí “Công tác chỉ đạo điều hành”, một số đơn vị đạt thấp như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đạt 52,12%; Ban Dân tộc đạt 59,47%; Sở Công thương đạt 61,83%; UBND huyện Mường Nhé đạt 53,47%. Các đơn vị này bị chấm điểm thấp do chất lượng thực hiện nhiệm vụ chưa đảm bảo; chưa thực hiện nghiêm yêu cầu của tỉnh về việc gắn kết quả CCHC với công tác đánh giá, xếp loại hàng năm đối với người đứng đầu, cấp phó và cán bộ công chức có liên quan. Cùng với đó, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa đổi mới. Nhất là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích không đạt yêu cầu, thậm chí có đơn vị tỷ lệ điểm 0%. Hạn chế lớn nhất là chưa nhìn nhận, đánh giá được thực chất công tác CCHC của cơ quan, đơn vị mình do đó không có đánh giá đúng dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành CCHC chưa đảm bảo, chưa có giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, để kéo dài nhiều năm.

Trong lĩnh vực “Hiện đại hóa hành chính”, có 17 sở, ngành đạt 0 điểm ở tiêu chí thành phần “tỷ lệ thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trong năm” và tiêu chí thành phần “tỷ lệ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4”. Đối với tiêu chí thành phần “tỷ lệ thủ tục hành chính đã triển khai có phát sinh hồ sơ trực tiếp nhận hoặc trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích” có 8 đơn vị đạt 0 điểm… Đối với cấp huyện, thì lĩnh vực này có tỷ lệ điểm trung bình đạt mức yếu (dưới 50%), thấp nhất trong các lĩnh vực CCHC được đánh giá. Đây là lĩnh vực có nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần mà các huyện, thị xã và thành phố có tỷ lệ điểm 0%.

Tại hội nghị công bố chỉ số CCHC năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đã chỉ đạo: Để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch CCHC năm 2021 và những năm tiếp theo, các đơn vị, địa phương; từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cần phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu đối với kết quả CCHC của đơn vị, địa phương mình. Thực hiện có hiệu quả và thực chất việc gắn kết quả CCHC với công tác đánh giá, xếp loại, quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng cán bộ công chức tại đơn vị, địa phương. Cùng với đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong thực hiện CCHC; có cơ chế bảo vệ cán bộ công chức dám nghĩ, dám làm; kịp thời thay thế những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, vi phạm kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top