Phải làm tốt hơn công tác dư luận xã hội

09:56 - Thứ Ba, 15/02/2022 Lượt xem: 3184 In bài viết

1. Dư luận xã hội được hình thành thông qua các cuộc trao đổi, thảo luận công khai. Trong đó, dư luận là hiện tượng tâm lý bắt nguồn từ một nhóm người về một vấn đề nào đó kèm theo những phán đoán, bình luận và thái độ của họ, được truyền từ nhóm người này sang nhóm người khác. Nếu dư luận này lan truyền, được lặp lại, liên quan đến lợi ích chung, thu hút sự quan tâm của nhiều người và nhóm người thì trở thành dư luận xã hội.

Trên thực tế, dư luận xã hội thường gắn liền với những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của địa phương, đất nước; thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị chủ chốt các cấp trong thực thi nhiệm vụ; việc ban hành, thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Dư luận xã hội thông qua lời khen, chê, khuyên can, góp ý còn có khả năng răn đe, cảnh báo, gây áp lực với chính các đối tượng có hành vi vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm đạo đức, lối sống. Dư luận xã hội cũng tác động mạnh đến công tác lãnh đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Những năm qua, công tác nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn cả nước và Thủ đô Hà Nội đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, công tác này nói chung còn không ít hạn chế. Đó là việc nắm bắt dư luận xã hội có lúc còn chậm, chưa toàn diện, từ đó định hướng tư tưởng, nhận thức và dư luận thiếu kịp thời, hiệu quả chưa cao. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ quan chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, dẫn đến chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng trong công tác này…

Hiện nay, khai thác sức ảnh hưởng lớn của mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị trong và ngoài nước luôn lợi dụng những tin đồn để xuyên tạc, bóp méo sự thật; loan tin công kích, chống phá Đảng và Nhà nước nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nguy hiểm hơn, trước những vấn đề “nóng” mà người dân quan tâm, gần đây nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19 - một sự việc không có tiền lệ - đã bị một số tờ báo, tạp chí điện tử lợi dụng cái gọi là giám sát, phản biện xã hội đưa ra những phân tích, đánh giá thiếu khách quan, đưa tin giật gân, câu khách, làm nhiễu thông tin nhằm thu hút sự hiếu kỳ của độc giả, ảnh hưởng đến công tác định hướng dư luận xã hội.

2. Trong Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Đảng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội và đánh giá sự hài lòng của người dân; chủ động dự báo tình hình, kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội…

Xuất phát từ quan điểm trên, có thể thấy việc nâng chất lượng công tác dư luận xã hội là đòi hỏi mạnh mẽ hiện nay. Trong đó, công tác dư luận xã hội phải đi trước mở đường, tập trung bám sát các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của Thủ đô và đất nước, kịp thời nắm bắt, phân tích, phản ánh khách quan dư luận của các giai tầng xã hội; dự báo và đề xuất giải pháp khả thi nhằm cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào thực tiễn cuộc sống.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể các cấp về vai trò, vị trí, chức năng và sự cần thiết phải nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; chủ động nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân để có biện pháp giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề bức xúc, không để phát sinh điểm “nóng” ngay từ cơ sở.

Mặt khác, những người làm công tác dư luận xã hội phải đổi mới nội dung, phương thức nghiên cứu dư luận xã hội, coi trọng yêu cầu về mặt khoa học, tính chính xác, khách quan, toàn diện. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, cần đa dạng hóa các hình thức, phương pháp điều tra, thăm dò dư luận xã hội qua các ứng dụng trên thiết bị di động, nền tảng mạng xã hội. Cùng với đó là làm lớn mạnh, khuyến khích, lan tỏa dư luận mang tính tích cực, phòng ngừa sự phá hoại, thâm nhập của các thông tin xấu độc.

Ngay từ các đảng bộ, chi bộ cơ sở cần coi việc tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; kiên quyết xử lý nghiêm cá nhân trong đơn vị đăng tải, cung cấp thông tin sai lệch, thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đơn vị, địa phương.

Đối với cán bộ, đảng viên được phân công, nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở, phải là lực lượng nòng cốt trong hoạt động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; đi đầu trong tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương. Cấp ủy viên phụ trách địa bàn phải đi vào các "điểm nóng" dư luận xã hội để tìm hiểu, đối thoại, lắng nghe tâm tư của người dân; qua đó, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu.

Đồng bộ các biện pháp, giải pháp nêu trên, hoạt động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội mới kịp thời, đúng và trúng, công tác tư tưởng mới có chất lượng, hiệu quả, góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top