Vấn đề hôm nay

Trị bệnh… thiếu trách nhiệm

19:43 - Thứ Tư, 17/08/2022 Lượt xem: 3807 In bài viết

ĐBP - Trong công cuộc “đốt lò” thời gian qua,  nhiều cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức phải xử lý kỷ luật, truy tố. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến cán bộ, đảng viên vi phạm song có một nguyên nhân chủ quan chính là sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Với vị trí lãnh đạo, quản lý không ít cán bộ, đảng viên đã thiếu tu dưỡng rèn luyện, không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, thiếu trách nhiệm trong đôn đốc, kiểm tra, giám sát dẫn tới gây hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, phần lớn cán bộ quản lý bị xử lý kỷ luật, thậm chí khởi tố, bắt giam đều liên quan bệnh… thiếu trách nhiệm. Như trong kết luận của Thanh tra tỉnh tháng 10 năm 2021 về thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các quy định của pháp luật tại Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra những vi phạm pháp luật về đấu thầu, sự thiếu trách nhiệm trong quản lý dẫn đến nhiều sai phạm phải khắc phục. Và từ sự thiếu trách nhiệm ấy, hai cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo đã bị tạm giữ, khởi tố. Tháng 4 vừa qua, giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ đã bị bắt giữ, khởi tố cũng vì tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong 7 tháng qua ngành Thanh tra Điện Biên đã triển khai 42 cuộc thanh tra hành chính và 223 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành từ tỉnh đến cơ sở. Qua thanh tra đã phát hiện không ít vi phạm trong công tác quản lý và vi phạm về kinh tế, kiến nghị thu hồi trên 2,3 tỷ đồng. Những vi phạm, sai phạm ở các đơn vị, địa phương cũng bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm của người được giao thực hiện nhiệm vụ.

Rõ ràng, khi được lựa chọn bổ nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp đội, cấp phòng trở lên, các công chức, viên chức đều đáp ứng đủ điều kiện về bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác và sự ủng hộ, tín nhiệm của công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị. Vậy tinh thần trách nhiệm là gì mà một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm kỷ luật, pháp luật, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ? Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng giải thích: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm”. Như vậy, những sai phạm của cán bộ, đảng viên có thể là chưa làm tròn trách nhiệm hoặc chưa sâu sát, kịp thời trong kiểm tra, giám sát dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngoài việc thiếu trách nhiệm dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng không ít vụ việc không hoàn thành, chậm tiến độ do cán bộ “sợ trách nhiệm”. Với quan niệm “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, không ít cán bộ, đảng viên sợ sai, sợ trách nhiệm nên… không làm gì cả. Tình trạng cán bộ, công chức có tư tưởng “an phận thủ thường”, sợ trách nhiệm sẽ kìm hãm sự phát triển của cơ quan, địa phương bởi việc giao còn đó, “công việc không chạy”…

Những cán bộ, đảng viên “thiếu trách nhiệm”, “sợ trách nhiệm” rõ ràng không hoàn thành nhiệm vụ “công bộc” của dân, sa vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” đã chỉ ra. Đáng buồn là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức mong muốn làm việc nhàn, lương cao, “làm quan phát tài” đang là xu hướng phổ biến. Nhiều người mong muốn vào cơ quan Nhà nước, vào Đảng không phải để tận tâm cống hiến, phục vụ mà chờ đợi cơ hội được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo, quản lý để hưởng lợi…

Vậy giải pháp nào để trị bệnh “thiếu trách nhiệm”, “sợ trách nhiệm” đang xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương hiện nay?

Điều này phải sát sao từ việc lựa chọn, đánh giá và sử dụng cán bộ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức trước khi được tuyển dụng, bổ nhiệm cần đánh giá đúng năng lực; bổ nhiệm và sử dụng đúng chuyên môn, sở trường để họ phát huy trong công việc. Động viên, khen thưởng kịp thời những cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ở một số vị trí công tác cần có sự luân chuyển cán bộ tránh việc lợi dụng chức vụ, cấu kết bè phái làm việc xấu, hưởng lợi cá nhân. Đồng thời rà soát các quy định của pháp luật để phát hiện những bất cập đề nghị sửa đổi, quy định rõ trách nhiệm cá nhân ở mỗi vị trí công tác tránh tình trạng “công cá nhân, tội tập thể”. Để cán bộ làm tròn trách nhiệm cũng cần sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, phát hiện sớm sai phạm tránh kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.

Hà Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top