Xử lý 19 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

14:40 - Thứ Năm, 15/09/2022 Lượt xem: 3523 In bài viết

Sáng 15-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33%

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 cho thấy, Bộ Công an và các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá 29.169 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,57% (trong đó: Án rất nghiêm trọng đạt 94,61%; án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,45%), vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; đã triệt phá 631 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực; bắt và vận động đầu thú 4.919 đối tượng truy nã, trong đó có 1.452 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Toàn quốc xảy ra 33.693 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 9,75%), làm 895 người chết (tăng 3,71%), 7.473 người bị thương (giảm 1,53%), thiệt hại tài sản gần 1.330 tỷ đồng (giảm 18,38%). Về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm… Đáng chú ý, đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 38,61%; 396 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 33,33%.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 cho thấy, về kiểm soát tài sản, thu nhập trong kỳ đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai việc xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên. Đến nay, có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2022, có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người). Trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 389 vụ, 847 bị can (tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm trước). Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 309 vụ, 721 bị can.

Báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân Tối cao cho thấy, Tòa án các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 498 vụ với 1.235 bị cáo; đã giải quyết 382 vụ với 949 bị cáo; xét xử 285 vụ với 680 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 5 bị cáo tuyên phạt tù chung thân; 27 bị cáo bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm.

Trong công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng thì tổng số việc phải thi hành là 3.846 việc với tổng số tiền là 88.604,9 tỷ đồng; trong đó số việc có điều kiện thi hành là 2.785 việc với số tiền gần 50.366,7 tỷ đồng. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 1.493 việc (đạt tỷ lệ 53,61%) với số tiền gần 10.327,73 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 20,51%).

Báo cáo công tác năm 2022 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho thấy, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 416 vụ với 1095 bị can (trong đó án mới 361 vụ với 913 bị can). Đã giải quyết 353 vụ với 893 bị can (trong đó truy tố 351 vụ với 891 bị can, chiếm 99,4% tổng số án đã giải quyết; đình chỉ 2 vụ với 2 bị can), hiện đang giải quyết 65 vụ với 202 bị can.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra.

Đề phòng từ sớm, từ xa các hành vi tham nhũng

Thẩm tra các báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt được nhiều chỉ tiêu của Quốc hội giao.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 81,18%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao; việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn còn vi phạm; vẫn còn các trường hợp khởi tố oan.

Đối với ngành Kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, công tác của ngành vẫn còn một số tồn tại cần kịp thời khắc phục như mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng 30,4%. Thẩm tra báo cáo công tác của ngành Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, tỷ lệ giải quyết án hình sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (trên 88%)…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu.

Thảo luận về các báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, các hành vi chống người thi hành công vụ có biểu hiện nghiêm trọng như lao xe vào Cảnh sát giao thông, cầm dao chém Công an ngay ở trụ sở UBND… có chiều hướng gia tăng, do đó phải có biện pháp bảo vệ người thi hành công vụ, vừa bảo đảm tôn trọng người dân nhưng cũng phải bảo đảm an toàn cho lực lượng chức năng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhận định, xâm hại trẻ em tuy số lượng có giảm, nhưng một số vụ việc phát hiện thì có tính chất nghiêm trọng. Do đó, ngành Tòa án cần sớm xét xử một số vụ việc điển hình để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Ngành Tòa án cần nghiên cứu Luật Hôn nhân và Gia đình về quy định sau khi vợ chồng ly hôn thì giao quyền nuôi con thế nào bởi nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra do năng lực người nuôi con không bảo đảm, cần quy định chặt chẽ hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thảo luận.

Về báo cáo phòng, chống tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần phân tích, đánh giá mức độ tội phạm, nhất là hành vi, hành động phạm tội tàn ác trong một số vụ việc, nhất là với trẻ em để tìm ra nguyên nhân chủ yếu để đề xuất giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các vụ việc tương tự.

“Báo cáo cần làm rõ thêm nguyên nhân rất nhiều vụ án kinh tế lớn thời gian qua được xử lý nghiêm nhưng chưa có dấu hiệu suy giảm mà còn tăng thêm trên. Cần nghiên cứu các giải pháp để đẩy lùi loại tội phạm này”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh và cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm cơ quan tổ chức cá nhân, trách nhiệm chính quyền địa phương khi để xảy ra các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng thời gian gần đây.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, đối tượng vi phạm là cán bộ công chức viên chức, nhận thức có biểu hiện “tham nhũng vặt” không phải thấp, cần phổ biến tuyên truyền pháp luật hiệu quả để ngăn ngừa hành vi này. Bên cạnh đó, cần đề phòng từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ đầu chứ không phải xảy ra các vụ án tham nhũng rồi mới xử lý; đẩy mạnh giải pháp thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các báo cáo nêu trên, đồng thời đề nghị các cơ quan tiếp tục cập nhật, hoàn thiện số liệu các báo cáo để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top