Kinh tếĐiện & đời sống

Xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia

09:36 - Thứ Hai, 28/08/2023 Lượt xem: 2745 In bài viết

ĐBP - Với trên 10.400 hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, Ðiện Biên là tỉnh có tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện (đạt 92,5%) thấp nhất cả nước. Quyết tâm đưa điện lưới về thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, tỉnh đặt rõ mục tiêu hoàn thành Kế hoạch năm 2023 đạt 93% và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu đến hết năm 2025 trên 98% số hộ trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia.

Bài 1: Nhiều bản vùng cao không điện

Thực tiễn cho thấy, nơi nào có điện lưới quốc gia thì cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Thế nhưng ở nhiều thôn, bản vùng cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, thậm chí cả bản “trắng” điện lưới. Ðưa điện lưới quốc gia về vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, cấp thiết của chính quyền địa phương.

Anh Vàng A Lử, Trưởng bản Cây Sổ, xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé mua quạt điện nhưng không sử dụng được vì công suất máy điện nước mini rất yếu.

Về bản “trắng” điện lưới

Cây Sổ là một trong những bản xa, nghèo khó nhất của xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé với 41 hộ, 246 nhân khẩu; 100% là hộ nghèo, cận nghèo. Hầu hết hộ dân ở đây chỉ trông chờ ánh sáng từ chiếc đèn dầu, đèn pin. Chỉ một số hộ “có điều kiện” hơn thì góp tiền mua máy phát điện mi ni chạy bằng sức nước. Chúng tôi đến nhà anh Vàng A Lử, trưởng bản Cây Sổ. Trong nhà rất tối, bóng điện chạy bằng máy điện nước mi ni phát ra sáng lờ mờ không nhìn rõ mặt người. Trong góc nhà, chiếc quạt cây bám đầy bụi, bỏ xó đã lâu vì điện nước quá yếu không thể sử dụng. Anh Vàng A Lử chia sẻ: Mỗi lần thông báo, tổ chức họp dân rất khó khăn, mất nhiều thời gian vì Cây Sổ không chỉ “trắng” về điện lưới mà còn “trắng” sóng điện thoại. Khi phải triển khai, thực hiện công việc tôi phải đi từng nhà, gặp từng người dân để truyền tin. Chẳng có điện để sử dụng loa đài nên dù nhà văn hóa bản đã được đầu tư xây dựng từ lâu nhưng cuộc họp nào cũng phải nói “tay bo” khản cổ.

Gần nhà trưởng bản Lử là ngôi nhà gỗ đã xiêu vẹo của ông Lù A Tó. Quá nửa đời người mà ông Tó chưa bao giờ được sống trong ánh sáng điện. Là hộ nghèo nhất, nhì ở bản, cuộc sống thiếu thốn đủ bề nên con gái ông - Lù Thị Ðí bỏ học từ mẫu giáo... Ngày tháng qua đi, Ðí chẳng bao giờ ra khỏi bản mà chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà tối tăm. Ở vùng cao, trời thường tối sớm lại không có điện, mọi sinh hoạt của người dân hầu hết phải thực hiện ban ngày để nhờ ánh sáng tự nhiên. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, chậm phát triển, tỉ lệ hộ nghèo cao mà một trong những nguyên nhân là do không có điện.

Màn đêm buông xuống Cây Sổ, không gian yên ắng, tĩnh mịch. Bóng tối bao trùm núi rừng. Trưởng bản Lử tâm sự: Chúng tôi mong mỏi sớm được đầu tư lưới điện về bản. Trong nhiều buổi họp dân, nhất là các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HÐND các cấp, người dân Cây Sổ đã kiến nghị bản sớm có điện lưới quốc gia song đến nay vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Không chỉ ở bản cây Sổ, hiện nay trên địa bàn huyện Mường Nhé còn 12/115 bản chưa có điện lưới quốc gia. Cụ thể: 4 bản (Huổi Lụ 1, Huổi Lụ 2, Huổi Lụ 3, Tàng Phon) với 128 hộ dân của xã Pá Mỳ; bản Chà Nọi 2 với 48 hộ của xã Quảng Lâm; bản Pa Tết với 75 hộ của xã Huổi Lếch; 5 bản (Tả Khoa Pá, Long San, Tả Ló San, Pa Ma, Lò San Chái) với 99 hộ ở xã Sen Thượng. Ðặc biệt, huyện còn 855 hộ ở vùng đặc biệt khó khăn chưa có điện lưới quốc gia.

Khó khăn lâu dài

Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện nay toàn tỉnh còn 10.481 hộ dân của 245 thôn, bản (chiếm  hơn 7,5% số hộ dân toàn tỉnh) chưa có điện, trong đó có 129 bản “trắng” điện lưới. Ðiểm chung của những bản này là hầu hết ở địa bàn đồi núi cách trở, dân cư sống không tập trung nên thực hiện dự án điện gặp nhiều khó khăn, nhất là chi phí đầu tư lớn. Như đối với công trình cấp điện cho 15 điểm bản, với hơn 600 hộ thuộc các xã: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong và Pá Mỳ (huyện Mường Nhé) để vận chuyển cột điện, thiết bị, công nhân buộc phải mở mới tuyến đường. Ngoài ra, các vật liệu như: Cát, sỏi, xi măng phải chia nhỏ, chở nhiều lần bằng xe máy từ trung tâm xã, bản đến điểm thi công; thậm chí là vác bộ qua nương. Hay đường điện sinh hoạt tại các bản: Nậm Ma, Ao Cá, Mường Ten, Tồng Sớ (xã Pú Hồng, huyện Ðiện Biên Ðông) cấp điện cho 170 hộ dân đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện (đạt 50% khối lượng công trình) song do mưa lũ, sạt lở nhiều ngày tại các điểm thi công đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ.

Ðưa điện về nông thôn, đặc biệt là Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh được các cấp, ngành chức năng xác định là nhiệm vụ cấp thiết. Song theo thông tin từ Sở Công Thương thì nguồn vốn phân bổ cho Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 rất ít. Bên cạnh đó, hiện nay Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ðể hoàn thành mục tiêu các chương trình, dự án cấp điện và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu đến hết năm 2025 có trên 98% số hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia là việc khó khăn, lâu dài. Bởi trong quá trình triển khai thực hiện dự án không chỉ về nguồn vốn mà còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, một số tuyến đường dây trung áp có các điểm chân cột và hành lang tuyến đi qua khu vực rừng tự nhiên nên phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Thủ tục này phức tạp, kéo dài do phải xin ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện và quyết toán dự án.

Bài 2: Linh hoạt giải pháp đưa điện lưới lên vùng cao

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top