Kinh tếĐiện & đời sống

Khó khăn đưa điện về vùng cao

08:59 - Thứ Bảy, 21/10/2023 Lượt xem: 3035 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, đưa điện lưới quốc gia đến các bản vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đời sống của người dân từng bước thay đổi, nâng cao về vật chất, tinh thần. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn những “vùng lõm” về lưới điện quốc gia. Ðây là lực cản lớn đối với công tác giảm nghèo, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Khi có điện lưới quốc gia (đầu năm 2023), người dân thôn Phiêng Páng, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) mua sắm máy xát thóc phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Xóa thôn, bản không có điện lưới quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Vì vậy, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, tỉnh tích cực kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư, gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo 100% số thôn, bản, hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Song với đặc thù vùng cao, miền núi, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khu vực chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.

Ðến tháng 5/2023, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) mới có 1/5 bản có điện lưới quốc gia. 4 bản còn lại với gần 200 hộ, gồm: Há Dùa, Xá Tự, Thẳm Nặm, Huổi Anh vẫn chờ có điện. Nhà nào có điều kiện thì dùng điện nước, lắp tấm năng lượng mặt trời mini, còn lại phần lớn dùng đèn dầu thắp sáng. Không có điện ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt người dân, việc học của trẻ em và công việc chung của địa phương. Năm 2022, xã Tênh Phông đã cấp loa phát thanh cho các bản, nhưng do không có điện nên loa không sử dụng được. Không có điện lưới quốc gia đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện Ðề án 06, chuyển đổi số đối với người dân trên địa bàn.

Theo thống kê của huyện Tuần Giáo, hiện nay trên địa bàn huyện còn 21/177 bản với tổng số hơn 1.500 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Ðể sớm đưa điện lưới quốc gia đến các thôn, bản này, huyện Tuần Giáo đã lập danh sách gửi Sở Công Thương tổng hợp trình UBND tỉnh đưa vào danh mục phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025. Năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt bổ sung danh mục các công trình thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng thuộc dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, trong đó đầu tư kéo điện cho 4 bản vùng cao của huyện Tuần Giáo. Nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn vốn.

Trên địa bàn huyện Tủa Chùa, thời gian qua, các cấp, ngành đã nỗ lực triển khai các dự án kéo điện về các thôn, bản vùng cao, song vì nhiều lý do mà hiện nay nhiều thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Ðiển hình, tại xã Lao Xả Phình hiện nay còn 2/6 thôn, bản (Cáng Phình và Chẻo Chữ Phình) với 139 hộ dân chưa có điện lưới quốc gia.

Ông Mùa Giống Chứ, bản Cáng Phình, xã Lao Xả Phình chia sẻ: Do chưa có điện lưới nên các hộ dân trong bản rất thiệt thòi, nhất là trẻ em không có điện sáng học bài. Người dân muốn xem ti vi, tin tức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng khó. Nhiều năm qua, người dân trong bản đều mong mỏi được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để có điện lưới quốc gia, giúp bà con tiếp cận với những điều văn minh, tiến bộ. Nếu có điện lưới quốc gia, dự định gia đình tôi sẽ mua tủ lạnh, máy xay xát thóc về phục vụ gia đình và người dân trong bản.

Theo ông Ðinh Bá Thịnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tủa Chùa, hiện nay trên địa bàn huyện còn 9/120 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia và 65 thôn, bản đã có điện nhưng còn một phần, nhóm dân cư với tổng số 1.715 hộ dân nằm rải rác ở 12/12 xã, thị trấn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Trong đó, nhiều nhất là tại xã Trung Thu (355 hộ), Sín Chải (239 hộ), Xá Nhè (223 hộ), Mường Báng (205 hộ), Lao Xả Phình (139 hộ), Tả Sìn Thàng (103 hộ). Nguyên nhân do địa hình đồi núi chia cắt, người dân sống không tập trung, hạ tầng giao thông nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu xây lắp công trình điện. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư hệ thống điện rất lớn, vì vậy rất khó khăn cho địa phương.

Không chỉ huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, hiện nay Ðiện Biên là tỉnh có tỷ lệ người được sử dụng điện lưới quốc gia thấp nhất cả nước (đạt 92,5%). Trong đó, khu vực nông thôn gần 102 nghìn hộ, đạt tỷ lệ 91,34%; toàn tỉnh mới chỉ có  67/115 xã đạt tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới còn trên 10.400 hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Một trong những khó khăn nhất khi đầu tư điện lưới đến các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số là địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, gây khó khăn trong vận chuyển vật tư và vốn đầu tư xây dựng công trình. Bên cạnh đó, đồng bào sống rải rác không tập trung nên phải kéo dài đường dây quá xa dẫn đến tình trạng điện áp không bảo đảm.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên đã phát động Chương trình “Bừng sáng Ðiện Biên”, trong đó phấn đấu đến năm 2024 xây dựng hệ thống điện nông thôn, đưa điện thắp sáng 100% thôn, bản với trên 98% số hộ được sử dụng. Ðể đạt được mục tiêu đề ra, góp phần xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, thì rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía, nhất là việc huy động nguồn lực với tổng mức đầu tư khoảng 2.128 tỉ đồng. Tuy nhiên, với nguồn lực lớn như vậy sẽ rất khó huy động trong thời gian sớm và cần phải có lộ trình. Ðể việc đầu tư lưới điện được thuận lợi hơn và tránh lãng phí, chính quyền địa phương cũng cần tính đến phương án quy hoạch dân cư tập trung, bởi dân cư thưa thớt sẽ rất khó để đầu tư hệ thống lưới điện, do suất đầu tư hệ thống lưới điện, trạm biến áp là rất lớn.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top