Rủi ro với ngành du lịch châu Âu

15:52 - Thứ Ba, 25/07/2023 Lượt xem: 5683 In bài viết

Đợt sóng nhiệt kéo dài càn quét khắp châu Âu đang làm đảo lộn đời sống và gây ra những mối nguy hại nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu hiện tượng thời tiết cực đoan trên vẫn tiếp diễn, ngành du lịch châu Âu sẽ đối mặt những thách thức không nhỏ khi các du khách dần thay đổi thói quen du lịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Theo dữ liệu của Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC), số người dự định đi du lịch đến khu vực Địa Trung Hải từ tháng 6 đến tháng 11 trong năm nay đã giảm 10% so với năm ngoái trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đang vật lộn với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.

Các chuyên gia cho rằng, điều kiện thời tiết cực đoan đang làm thay đổi những trải nghiệm đến thăm châu Âu của du khách. Tình trạng du khách bị say nắng, ngất xỉu đã xảy ra ở một số nơi. Tại thành phố Athens của Hy Lạp, nơi mới đây ghi nhận nhiệt độ chạm mức 40oC, nhà chức trách buộc phải đóng cửa thành cổ Acropolis từ 12 giờ đến 17 giờ để bảo vệ sức khỏe của du khách.

Chính quyền thành phố Rome của Italia quyết định thiết lập các trạm làm mát, trong đó có lều phun sương, nước miễn phí... ở gần các địa điểm tham quan để ngăn ngừa những vấn đề phát sinh do nắng nóng.

Ngành du lịch Tây Ban Nha cũng bị tác động lớn bởi đợt sóng nhiệt đang diễn ra. Do hạn hán kéo dài, những điểm thu hút khách du lịch tại Tây Ban Nha buộc phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước. Du khách đến bãi biển Lloret de Mar trong thời gian này không còn thấy những vòi nước ngọt tắm tráng hoạt động.

Theo chuyên gia David Sauri của Đại học Autonomous Barcelona (UAB), các du khách lưu trú tại khách sạn 4 sao, 5 sao đang tiêu thụ lượng nước cao gấp đôi so với mức trung bình của người dân Tây Ban Nha. Đóng góp tới 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo ra 2,5 triệu việc làm, du lịch là một trong những động lực chính giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Âu này. Tình trạng khan hiếm nước hiện tại chắc chắn sẽ tác động đến ngành du lịch.

Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, 7,6% du khách được hỏi cho biết, thời tiết khắc nghiệt là mối quan tâm lớn nhất của họ đối với các chuyến đi châu Âu. Theo các công ty du lịch, nắng nóng chưa dẫn đến tình trạng hủy chuyến nhiều. Tuy nhiên, nếu hiện tượng thời tiết cực đoan này còn kéo dài, ngành du lịch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, 7,6% du khách được hỏi cho biết, thời tiết khắc nghiệt là mối quan tâm lớn nhất của họ đối với các chuyến đi châu Âu. Theo các công ty du lịch, nắng nóng chưa dẫn đến tình trạng hủy chuyến nhiều. Tuy nhiên, nếu hiện tượng thời tiết cực đoan này còn kéo dài, ngành du lịch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Công ty dữ liệu ForwardKeys cho biết, đã bắt đầu có sự thay đổi về xu hướng du lịch của các du khách đến từ Vương quốc Anh. Thay vì chọn đến khu vực Nam Âu - nơi đang ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục, du khách có xu hướng chọn đến những địa điểm mát mẻ hơn ở Bắc Âu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về hệ lụy nghiêm trọng của đợt nắng nóng đang hoành hành ở ba châu lục Á, Âu, Mỹ. Theo đó, nắng nóng sẽ làm trầm trọng thêm những chứng bệnh sẵn có ở mỗi người, đặc biệt đáng lo ngại ở nhóm bệnh tim mạch, tiểu đường và hen suyễn. Điều này cũng làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế toàn cầu, vốn đã quá tải vì đại dịch Covid-19 trong những năm qua.

Ông Robert Vautard, Giám đốc Viện nghiên cứu khí hậu Pierre-Simon Laplace của Pháp nhấn mạnh: Các đợt sóng nhiệt diễn ra cùng lúc ở châu Âu và nhiều nơi khác trên toàn cầu cho thấy nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra đồng thời chứ không phải một hiện tượng xảy ra đơn lẻ; và các hiện tượng này ngày càng nghiêm trọng hơn do một yếu tố là biến đổi khí hậu. Điều này càng cho thấy tính cấp thiết của việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ngành du lịch châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung từng được kỳ vọng phục hồi ấn tượng trong mùa hè này, với nhu cầu đi lại tăng vọt sau nhiều năm người dân bị hạn chế đi lại vì dịch bệnh. Nhưng thời tiết khắc nghiệt đang là nhân tố cản trở đà phục hồi, tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói. Việc dồn dập xảy ra những đợt sóng nhiệt ở châu Âu, châu lục từ lâu được biết đến với khí hậu ôn hòa, chính là hồi chuông báo động về hệ lụy nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và thúc giục nhân loại hành động trước khi quá muộn.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top