Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh sinh viên

05:53 - Thứ Năm, 09/06/2022 Lượt xem: 6257 In bài viết

ĐBP - Phát động xây dựng ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên (HSSV) từ năm 2019 đến nay, hoạt động này đã trở thành phong trào được các sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên quan tâm, tích cực tham gia. Trong đó nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, có giá trị, đang được triển khai, ứng dụng vào thực tế.

Sinh viên nhóm Dự án DTEC - Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên học cách thêu hoa văn truyền thống các dân tộc.

Đề án 1665 “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” (theo Quyết định 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và các hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp được Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên triển khai thực hiện từ năm 2019. Năm đầu tiên (2020) hưởng ứng cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp HSSV giáo dục nghề nghiệp” - Startup kite do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, Trường có 1 dự án về trồng nấm đoạt giải toàn quốc. Năm 2021, Trường chọn 4 ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc, gửi 2 dự án dự thi và lọt vào chung kết toàn quốc; trong đó 1 dự án đoạt giải. Các dự án đoạt giải, từ cấp trường đều được Trường huy động các nguồn lực hỗ trợ triển khai.

Dự án DTEC - Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên xuất sắc giành giải khuyến khích toàn quốc năm 2021. Hiện Dự án đã được hiện thực hóa và đạt thành quả bước đầu tích cực. Ban đầu, Dự án gặp không ít khó khăn do sinh viên nữ các dân tộc thiểu số còn rụt rè, ít giao tiếp xã hội. Nhiều em chưa biết thêu thùa, hoặc chỉ thêu làm váy, áo, khăn dù. Trường vừa khuyến khích, để các em tự do sáng tạo, vừa mời nghệ nhân đến truyền dạy, hướng dẫn các em thêu. Đến nay, Dự án đã thu hút gần 20 sinh viên nữ tham gia. Sản phẩm của nhóm tập trung vào túi xách, trang trí hoa văn, họa tiết dân tộc trên chất liệu vải bố thân thiện với môi trường. Em Giàng Thị Dinh, thành viên Dự án DTEC, cho biết: “Dự án có sự tham gia của nhiều bạn đến từ nhiều dân tộc khác nhau. Bởi vậy chúng em có hoa văn truyền thống dân tộc Mông, Thái, Dao... Nhờ tham gia Dự án mà chúng em tìm hiểu kỹ hơn về các nét đẹp truyền thống dân tộc mình, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc qua những đường thêu”.

Từ khi triển khai, nhóm đã làm ra gần 400 túi xách, đến hết năm 2021 bán được 210 túi với mức giá trung bình 200.000 đồng/túi. Các em được trả công 50.000 - 100.000 đồng/túi tùy thuộc vào kích cỡ, dù không nhiều nhưng phần nào giúp các em mua sắm sách vở, đồ dùng cần thiết, giảm bớt áp lực cho gia đình. Phần còn lại để đầu tư vải, chỉ, thuê nhân công may túi. Tiền lãi thưởng cho các em vào cuối năm. Hiện sản phẩm của Dự án đang được giới thiệu trên nhiều kênh khác nhau, bày bán trực tiếp tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; giới thiệu trên các trang mạng xã hội zalo, facebook và quảng bá trong hiệp hội các trường cao đẳng - trung cấp. “Để da dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhóm còn nhận thêu theo yêu cầu, đặt hàng làm quà tặng. Dự án đã nhận được đề nghị đơn hàng lớn nhưng do vào thời điểm sinh viên chuẩn bị cho kỳ thi, ưu tiên việc học tập, Trường chỉ khuyến khích thêu khi rảnh, nên đành từ chối” - Em Dinh cho biết thêm.

Ngoài DTEC, Trường cũng đang hỗ trợ các dự án khởi nghiệp khác của sinh viên, bao gồm: Dự án Ứng dụng du lịch kết nối - về nguồn Điện Biên phục vụ người lớn tuổi, cựu chiến binh (app Truly DienBien); Dự án Ứng dụng chế phẩm sinh học emina trồng và chế biến cây dược liệu cho tinh dầu theo hướng hữu cơ: gừng, bạc hà, hương thảo, oải hương. Bà Đỗ Thị Thanh Dương, giảng viên trực tiếp phụ trách, hỗ trợ sinh viên triển khai 2 dự án này cho biết: “Ban Giám hiệu đã tạo điều kiện cho nhóm khởi nghiệp trồng, chế biến cây dược liệu hợp tác với Khu Du lịch sinh thái Him Lam, được hỗ trợ miễn phí mặt bằng, cơ sở hạ tầng, nước tưới phục vụ trồng cây, tiêu thụ sản phẩm... Dự án đã triển khai thử nghiệm được 1 vụ, các em học hỏi được nhiều về kiến thức nông nghiệp, cách quản lý nguồn lực, vật lực và tìm hướng đi hiệu quả hơn cho mô hình. Còn nhóm Dự án Ứng dụng du lịch kết nối cũng được Công ty TNHH 1T hỗ trợ về kỹ thuật. Dự án đang trong quá trình kết nối với các cơ sở lưu trú, công ty du lịch; thu thập, cập nhật thông tin về địa danh, điểm đến, sản phẩm du lịch, đặc sản, tour và hướng dẫn viên du lịch... Thành viên Dự án là sinh viên các ngành công nghệ thông tin, tin học ứng dụng và hướng dẫn viên du lịch. Vì vậy khi tham gia khởi nghiệp, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các em đều rất hào hứng, tích cực vì áp dụng ngay kiến thức được học vào thực tế”.

Th.s Phạm Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, cho biết: HSSV chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội giao lưu, học hỏi, tìm hiểu thị trường, doanh nghiệp, vì vậy còn lúng túng tìm hướng khởi nghiệp. Vì vậy, từ năm 2019, Trường dần hình thành môi trường khởi nghiệp cho HSSV với các hoạt động như cử cán bộ kiêm nhiệm tực tiếp hỗ trợ HSSV khởi nghiệp; tổ chức các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV... Đồng thời tìm kiếm các nguồn vốn xã hội hóa, kết nối với doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ các em khởi nghiệp. Qua một thời gian triển khai, phong trào khởi nghiệp đã được các em quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình với nhiều ý tưởng sáng tạo, thiết thực, có thể áp dụng thực tế. Các em cũng ngày càng mạnh dạn, chủ động và ham học hỏi. Hiện Nhà trường tiếp tục phát động hưởng ứng cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp năm 2022, nhiều sinh viên đã lên ý tưởng chuẩn bị cho cuộc thi”.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top