Tủa Chùa tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng

08:39 - Thứ Sáu, 30/09/2016 Lượt xem: 4573 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, lợi dụng địa bàn vùng sâu, vùng xa lực lượng chức năng mỏng, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hết hạn sử dụng được nhiều đối tượng đưa đến tiêu thụ làm phức tạp thị trường. Trước thực trạng đó, Đội Quản lý thị trường số 9 (huyện Tủa Chùa) đã chủ động xây dựng kế hoạch, lập phương án, tăng cường công tác kiểm tra chống hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Nếu như ở thành phố, thị xã hoặc trung tâm thị trấn, các loại hàng giả, hàng kém chất lượng thường gặp là quần áo, giày dép và một số mặt hàng điện tử công nghệ cao… thì tại huyện Tủa Chùa nói riêng và các huyện vùng cao nói chung chủ yếu là mì chính, nước mắm, bột giặt, dầu gội giả, hết hạn sử dụng và các sản phẩm tiêu dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, thời điểm cuối năm lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tăng, lợi dụng điều đó các đối tượng, vận chuyển, buôn bán hàng giả, kém chất lượng tuồn hàng lên vùng cao bán cho người dân tộc thiểu số, thiếu thông tin để phân biệt hàng thật, hàng giả.

 

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 9 kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Tủa Chùa.

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Đội Quản lý thị trường số 9 đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là dịp Tết Trung thu và cuối năm 2016. Trong đó, chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ mạnh, như: Bánh kẹo, thực phẩm, quần, áo, đồ gia dụng... Đội phân công cán bộ tới từng địa bàn, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn nắm bắt diễn biến thị trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong kinh doanh thương mại; các loại hàng giả, hàng nhái lưu thông trên địa bàn và dấu hiệu nhận biết hàng giả, kém chất lượng để người tiêu dùng nâng cao ý thức cảnh giác trong quá trình mua sắm. Nhắc nhở các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về giá như: Đăng ký, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chống các hành vi đầu cơ găm hàng; ép giá gây mất ổn định thị trường. Từ đầu năm đến nay, Đội Quản lý thị trường số 9 đã kiểm tra 54 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 26 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 7,8 triệu đồng. Trong đó: 13 vụ xử phạt hàng quá hạn sử dụng; 9 vụ xử phạt hàng hóa không niêm yết giá và 4 vụ xử phạt hàng hóa vi phạm về nhãn mác.

Chị Nguyễn Thị Hường, chủ cửa hàng tạp hóa tại thị trấn Tủa Chùa cho biết: Cửa hàng chúng tôi có khá nhiều chủng loại, mẫu mã và chủ yếu là mặt hàng tiêu dùng nên việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng được cửa hàng đặt lên hàng đầu, nhất là dịp cuối năm. Chúng tôi luôn kiểm tra nhãn mác, xuất xứ của hàng hóa cẩn thận trước khi nhập hàng; chấp hành đúng quy định về niêm yết giá và bán đúng giá đã niêm yết trên sản phẩm. Song song với việc bán hàng hóa, cửa hàng cũng thường xuyên giới thiệu, hướng dẫn khách hàng một số dấu hiệu cơ bản để nhận biết, phân biệt hàng thật, giả và hàng kém chất lượng, nhất là đối với khách hàng người dân tộc thiểu số.

Ngoài nhiệm vụ của đơn vị, Đội Quản lý thị trường số 9 cũng tích cực tham gia đoàn liên ngành theo quyết định của UBND huyện Tủa Chùa, kiểm tra hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông trên địa bàn huyện Tủa Chùa, như: Kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, internet, kinh doanh dịch vụ sim điện thoại, kinh doanh dịch vụ khách sạn, lưu trú, dịch vụ ăn uống… Ông Trần Chí Cương, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 9 cho biết: Từ đầu năm đến nay, Đội Quản lý thị trường số 9 cơ bản thực hiện tốt các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Hiện nay, hàng hóa ở vùng cao huyện Tủa Chùa đang nổi lên 2 tình trạng là: Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có hoặc quá hạn sử dụng. Đơn vị thường xuyên cử cán bộ bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, địa bàn quản lý rộng (toàn huyện có 12 xã và 1 thị trấn), lực lượng mỏng (cả đội có 3 cán bộ) nên tình trạng hàng giả, kém chất lượng trôi nổi ở các xã vùng cao vẫn rất khó kiểm soát. Phương án xử lý vi phạm chủ yếu là tuyên truyền nâng cao nhận thức và tiêu hủy tại chỗ những mặt hàng vi phạm. Từ nay đến hết năm 2016, nhu cầu sử dụng và lưu lượng hàng hóa  tăng, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường bám địa bàn, thường xuyên phối với với các cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top