Để nguồn thu từ lâm sản phụ bền vững

09:02 - Thứ Năm, 21/09/2017 Lượt xem: 6867 In bài viết
Năm nay, người dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ được mùa lâm sản phụ. Việc thu hoạch và bán lâm sản phụ đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, không phải năm nào rừng cũng cung cấp lượng lâm sản phụ dồi dào để khai thác, thường thì năm nay được mùa thì năm sau sẽ ít. Ðây là vấn đề đang được chính quyền các cấp huyện Nậm Pồ quan tâm, tìm giải pháp để nguồn thu từ lâm sản phụ bền vững.

Từ “phụ” thành “chính”

Huyện Nậm Pồ có 58.906ha đất lâm nghiệp có rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 46%. Phần lớn diện tích rừng là rừng già tự nhiên nên thảm thực vật dưới tán rừng phát triển mạnh, cung cấp cho con người nguồn lâm sản phụ đa đạng, phong phú, như: Sa nhân,  thảo quả, măng, nấm, mộc nhĩ, lá dong, mật ong, nguyên liệu sản xuất hàng thủ công, dược liệu... Những năm gần đây, “mùa nào thức ấy” người dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ đều lên rừng thu hái lâm sản phụ về bán cho các thương lái để tăng thu nhập cho gia đình. Diện tích rừng lớn, một sản phẩm dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao nên việc nhiều hộ dân thu hàng chục, trăm triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch lâm sản phụ không còn là điều lạ. Theo kết quả khảo sát thị trường của huyện Nậm Pồ, dự ước năm 2017, tổng nguồn thu từ lâm sản phụ toàn huyện sẽ đạt khá.

 

Thực hiện Chỉ thị 03/CT-UBND huyện về bảo vệ và khai thác nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng, người dân xã Chà Nưa làm 32km đường tuần tra rừng để bảo vệ rừng, khai thác nguồn lâm sản phụ bền vững.

Khoảng thời gian từ tháng 3 - 6 hàng năm, gia đình ông Lành Văn Chương và các hộ dân bản Vàng Xôn (xã Nậm Khăn) lại lên rừng thu hái lâm sản phụ về bán để tăng thu nhập cho gia đình. Dưới tán rừng Nậm Khăn có rất nhiều loại lâm sản phụ có giá trị cao như: Sa nhân xanh, mật ong, măng, nghệ đen... Năm nay, giá thị trường đối với sa nhân xanh đạt 150.000 - 200.000 đồng/kg củ tươi; mật ong giá 150.000 đồng/kg, nghệ đen 300.000 đồng/kg... Ông Lành Văn Chương cho biết: Những năm gần đây, nguồn thu từ lâm sản phụ trở thành 1 trong những nguồn thu nhập chính của dân bản. Tuy năm được mùa, năm mất nhưng bình quân các hộ đều thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/năm. Riêng gia đình tôi, vừa kết hợp khai thác vừa mua gom của bà con trong bản nên thu nhập thường cao hơn. Năm nay, lâm sản phụ được mùa, gia đình tôi thu gần 200 triệu đồng từ buôn bán các sản phẩm: Sa nhân xanh, mật ong và nghệ đen.

Anh Lương Xuân Lợi, người chuyên thu mua nông, lâm sản trên địa bàn xã Chà Cang cho biết: Lâm sản phụ trên địa bàn huyện Nậm Pồ có nhiều loại là dược liệu quý, có giá trị cao, điển hình như cây sa nhân. Ðối với cây sa nhân, bà con bán bao nhiêu tôi đều mua hết. Năm nay, giá các loại lâm sản phụ khá cao nên người dân khu vực 3 Chà, Pa Tần, Nậm Khăn đều có thu nhập khá từ bán lâm sản phụ.

Phát triển bền vững

Nhận thấy nguồn lợi lớn từ lâm sản phụ, ngày 15/8/2017, UBND huyện Nậm Pồ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về bảo vệ và khai thác nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng. Chỉ thị yêu cầu chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức của nhân dân về quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Từ đó, đổi mới và có nhiều cách làm hay, sáng tạo để bảo vệ rừng và khai thác hiệu quả nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai các mô hình trồng cây sa nhân xanh dưới tán rừng. Năm 2015, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai trồng thí điểm 2ha cây sa nhân xanh tại xã Nậm Khăn với sự tham gia của 24 hộ dân bản Nậm Khăn. Ông Poòng Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Nậm Khăn cho biết: Sau 2 năm triển khai, cây sa nhân đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Cây sa nhân xanh trồng cho năng suất cao, quả chắc, mẩy hơn so với loại sa nhân xanh mọc tự nhiên trong rừng. Năm nay, không chỉ bản Nậm Khăn, nhiều hộ dân các bản khác trên địa bàn cũng mua cây giống, nhân rộng mô hình. Ðối với việc thu hái lâm sản phụ, chính quyền xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân “tận thu nhưng không tận diệt” để rừng cung cấp nguồn lâm sản đều, người dân mới có nguồn thu nhập ổn định.

Hiện nay, phong trào trồng cây sa nhân xanh đang lan rộng ra các xã: Chà Nưa, Chà Cang, Nà Bủng. Năm 2017, xã Chà Nưa đã vận động 100% hộ dân được hưởng tiền chi trả môi trường rừng mua và trồng cây sa nhân dưới tán rừng với tổng diện tích gần 10ha. Ông Thùng Văn Phong, bản Hô Bai cho biết: “Gia đình tôi đã sử dụng 5 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2017 để mua gần 3.000 cây sa nhân, trồng với trên diện tích khoảng 4.000m2. 2 năm nữa, gia đình sẽ có thêm khoản thu nhập đáng kể từ cây sa nhân”.

Phát triển sinh kế dưới tán rừng bước đầu mang lại hiệu quả về kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ. Ðể phát triển bền vững, huyện Nậm Pồ cần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; chính quyền các cấp và nhân dân đồng thuận nhân rộng các mô hình sinh kế dưới tán rừng và có phương án chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch đúng kỹ thuật để có nguồn thu ổn định.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top