Pú Nhung trước nguy cơ mất mùa

09:03 - Thứ Hai, 27/05/2019 Lượt xem: 12532 In bài viết

ĐBP - Ðợt nắng nóng kéo dài đầu tháng 5 làm cho tiến độ sản xuất các cây trồng trên nương của xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) chậm lại. Hiện nay đã có tình trạng ngô, sắn bị héo, chết... Sâu keo mùa thu mới xuất hiện cũng đang tàn phá nhiều diện tích ngô trên địa bàn xã khiến người dân Pú Nhung đứng trước nguy cơ mất mùa…

 

Cán bộ khuyến nông xã Pú Nhung kiểm tra tình trạng sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô.

Mặc cho thời tiết nắng nóng, trên cánh đồng ngô ở bản Ðề Chia B, xã Pú Nhung, người dân vẫn xuống đồng kiểm tra, chăm sóc những diện tích ngô xuân hè, sắn đang héo dần vì nắng nóng. Chị Mùa Thị Lan, bản Ðề Chia B đang cố gắng moi những gốc sắn không thể đâm chồi vì khô hạn trên bãi màu của gia đình. Hơn 2.000m2 sắn gia đình chị trồng từ đầu tháng 4 đến nay có gần 1/3 vượt qua được sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng cũng mới nhú được khoảng 5cm. Chị Lan buồn bã nói: “Nắng nóng kéo dài nhiều ngày, không có mưa cây sắn khó phát triển đúng thời vụ. Năm trước cũng diện tích này gia đình tôi thu được 17 triệu đồng tiền bán sắn. Năm nay sắn không lên được mà vẫn mất tiền thuê máy cày, tiền mua phân, mất công gieo trồng… Nếu mưa kịp thời còn có thể làm lại đất để trồng ngô. Nhưng trồng ngô muộn thì năng suất sẽ thấp hơn so với những năm trước…”.

Gia đình ông Lầu Súa Tồng, bản Ðề Chia B cũng gieo xong 2.000m2 ngô từ đầu tháng 4 nhưng nắng nóng kéo dài nên ngô sinh trưởng, phát triển không đều và đang có hiện tượng chết héo. Mặc dù ông đã vun gốc, làm mát cây ngô nhưng hiệu quả không cao. Ông Tồng cho biết: “Năm ngoái trời mưa sớm, bằng giờ này cây ngô của nhà tôi đã cao hơn 50cm rồi. Nhưng năm nay hạn quá, bây giờ cây vẫn còi cọc; có cây còn không lên được phải trồng thay thế. Không chỉ nhà tôi mà nhiều nhà khác ở khu vực bãi bằng này cũng phải trồng lại lần 2, thậm chí lần thứ 3 rồi nhưng vẫn chưa chắc có được thu hoạch hay không. Nếu trời tiếp tục không mưa, tôi đành phải để nương như vậy, chấp nhận mất vụ này để chờ vụ tiếp theo…”. Ngoài diện tích bãi bằng người dân Pú Nhung đã tiến hành gieo trồng, còn nhiều mảnh nương trên đất dốc đang chờ những “cơn mưa vàng” mới xuống giống nên ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến thời vụ, năng suất của vụ ngô xuân hè năm nay. 

Không chỉ chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, những diện tích ngô may mắn lên được lại bị hại bởi sâu keo mùa thu mới xâm nhập vào địa bàn xã Pú Nhung. Theo ghi nhận từ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tuần Giáo, sâu keo mùa thu có thể gây hại từ khi ngô 2 - 3 lá đến bắp non, hạt đông sữa nhưng tập trung giai đoạn ngô 3 - 7 lá. Sự phá hại của sâu làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây ngô, tùy giai đoạn và mức độ bị nhiễm mà có thể gây tổn thất năng suất từ 15 - 73%. Sâu keo mùa thu có khả năng lây lan nhanh, trưởng thành di trú xa hàng trăm cây số nhờ gió, chúng gây hại trên 300 loài thực vật (ngô, bông, đậu tương, lúa, mía, rau...) nhưng thức ăn ưa thích nhất của chúng là cây ngô. Do vậy, chỉ mới xuất hiện trên địa bàn hơn 1 tháng nhưng loài sâu nguy hiểm này đã lan ra hầu hết nương ngô trên địa bàn. Cơ quan chuyên môn, chính quyền xã và người dân đang tích cực triển khai nhiều biện pháp với hi vọng có thể hạn chế được thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra cho vụ ngô xuân hè năm nay.

Ông Vừ A Kỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung cho biết: Nắng nóng kéo dài, mưa thất thường ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất của người dân trong xã. Ngay từ đầu vụ, xã chỉ đạo người dân tiến hành gieo trồng sớm hơn 1 tháng so với mọi năm nhưng do thời tiết nắng nóng nên có gần 60% diện tích chưa thể gieo trồng được. Còn những nương đã gieo trồng ở các bãi bằng phần thì bị chết do nắng nóng, phần thì bị sâu phá hoại với diện tích hơn 170ha. Hiện nay, người dân trên địa bàn đã biết sử dụng các loại giống tốt vào sản xuất nên giá tương đối cao. Nếu cây trồng chết hoặc năng suất giảm sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế người dân; nhất là các diện tích phải trồng lại lần 2, lần 3 hay những hộ nghèo, những hộ phải đi vay giống. Vì vậy, chính quyền xã rất mong các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ nghèo một phần giống cây trồng bị thiệt hại; các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, hướng dẫn trồng cây vụ đông sớm để tạo thu nhập cho bà con trong năm tới. Ðối với các diện tích bị ảnh hưởng bởi sâu keo mùa thu, xã đang tập trung chỉ đạo người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật huyện. Ngoài ra, trước khi gieo trồng cũng cần ra thăm đồng, nắm rõ dự báo thời tiết và tình hình sâu bệnh để có sự điều chỉnh phương án sản xuất cho phù hợp.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top