Chuyển hướng chăn nuôi, ổn định nguồn cung thực phẩm

08:21 - Thứ Sáu, 20/09/2019 Lượt xem: 12419 In bài viết

ĐBP - Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại khoảng hơn 2,5% tổng đàn lợn. Và đây vẫn chưa phải là con số “chốt” khi dịch bệnh này hiện nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, vừa để đảm bảo nguồn thực phẩm dịp cuối năm thường tăng cao và cũng để tăng nguồn thu từ chăn nuôi, nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang đầu tư phát triển đàn gia cầm và các vật nuôi ăn cỏ khác (trâu, bò, dê…).

Người dân xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) chuyển sang nuôi gà, vịt sau chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Gia Kiệt

Xã Rạng Ðông (huyện Tuần Giáo) - xã đầu tiên trong tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh này khiến gần trăm gia đình tại các bản: Háng Á, Rạng Ðông, Bon A, Nậm Mu… điêu đứng khi lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Gia đình anh Sùng Chứ Ký (bản Háng Á) nuôi 5 con lợn thịt thì cả 5 con đều đã bị tiêu hủy do dịch bệnh. Anh Ký cho biết: Số lợn này đều tầm 20 - 30kg/con. Dự định để cuối năm xuất chuồng trang trải cuộc sống, nhưng dịch bệnh ập đến nên thành trắng tay. Số tiền hỗ trợ cho chủ vật nuôi theo quy định của tỉnh gia đình chưa được nhận vì thế anh đành gom góp tiền dành dụm để chuyển sang nuôi gà với dự tính khi nhận được tiền hỗ trợ của tỉnh sẽ vay mượn thêm mua trâu về nuôi. Anh Ký bảo: Chăn nuôi quen rồi, nay để chuồng trại trống không vừa phiền lòng vì dịch bệnh, lại vừa không có nguồn kinh tế trông vào trong khi có bao việc cần trang trải dịp cuối năm. Ðàn gà hơn 50 con được gia đình anh Ký nuôi gần 2 tháng nay nhờ chăm sóc tốt và phòng trừ bệnh theo hướng dẫn nên khỏe mạnh, phát triển tốt, không dịch bệnh. Anh Ký hy vọng, chăm sóc số gà này cuối năm kịp bán để vớt vát lại phần nào thiệt hại do nuôi lợn bị dịch bệnh. Không chỉ gia đình anh Ký mà hơn 30 hộ trong bản Háng Á sau khi dịch tả lợn châu Phi càn quét, các gia đình chuyển sang chăn nuôi gà, vịt, ngan để bù lại phần nào thiếu hụt thực phẩm, tăng thu nhập.

Còn gia đình chị Lò Thị Xiên (bản Nong, thị trấn Tuần Giáo) sau khi đàn lợn 14 con (trọng lượng hơn 305kg) bị buộc phải tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi khiến cuộc sống lâm vào cảnh khốn khó. Bởi bao dự định chi tiêu đều đặt cả vào đó trong khi tiền thức ăn công nghiệp còn chưa trả hết. Chị Xiên cho biết: Cán bộ thú y huyện, xã kiểm tra và hướng dẫn gia đình phun tiêu độc khử trùng chuồng trại nhằm tránh phát tán mầm bệnh, không gây ô nhiễm môi trường và thống kê thiệt hại đàn lợn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi. UBND huyện Tuần Giáo đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thị trấn từ cuối tháng 7 nhưng đến nay gia đình vẫn chưa tái đàn lợn. Theo tính toán, gia đình sẽ được nhà nước hỗ trợ gần 12 triệu đồng cho tổng số lợn mắc dịch phải tiêu hủy nhưng đến nay vẫn chưa được nhận. Vớt vát phần nào thiệt hại do dịch bệnh, chị Xiên mở rộng chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Từ chọn con giống đến các khâu chăm sóc, tiêm vắc xin phòng bệnh… đều được thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y. Chị Xiên bảo, từ trước đến nay kinh tế của cả gia đình cơ bản phụ thuộc vào chăn nuôi nên không đành lòng nhìn chuồng trại bị bỏ trống. Tận dụng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn sẵn có, tôi đầu tư mở rộng nuôi gia cầm với số lượng hơn trăm con. Thời gian chăn nuôi ngắn, thu hồi vốn nhanh. Khi có vốn, gia đình sẽ tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học để phòng tránh dịch bệnh.

Chuyển sang nuôi gia cầm là lựa chọn của không ít hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Bởi đến nay các hộ chưa thể tái đàn nuôi lợn do mầm bệnh có thể tồn tại rất lâu trong môi trường. Thêm nữa, bệnh dịch này chưa có vắc xin phòng và đặc trị nên các hộ cũng chưa dám nuôi lợn trở lại. Mặt khác, so với các vật nuôi khác, vốn đầu tư nuôi gia cầm ít, giá cả ổn định, thời gian nuôi ngắn nên thu hồi vốn nhanh. Do nguồn cung thực phẩm từ lợn bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên nhu cầu thực phẩm gà, vịt thay thế cũng tăng lên kéo theo giá bán gia cầm tăng.

Theo thống kê của ngành chăn nuôi, trong khi tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh chỉ còn hơn 407 nghìn con (giảm khoảng hơn 2,5% so với tổng đàn trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi) thì đàn gia cầm đạt gần 4,3 triệu con (tăng 6,1%); đàn trâu trên 132 nghìn con (tăng 3,45%), đàn bò hơn 71 nghìn con (tăng gần 7,8%) so với cùng kỳ năm 2018. Và với lượng thịt lợn hơi trong 6 tháng đầu năm 2019 là 11.034 tấn (chiếm trên 57% tổng lượng thịt hơi toàn tỉnh) thì việc chuyển đổi chăn nuôi sang các loại gia cầm, thủy cầm, đại gia súc ăn cỏ thay thế nguồn cung thực phẩm thịt lợn là vô cùng cấp thiết. Trước mắt vừa đảm bảo nguồn cung thực phẩm thay thế dịp cuối năm tăng cao vừa giúp các nông hộ duy trì được nguồn thu nhập. Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Trong tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay thì các hộ chăn nuôi nên chủ động chuyển đổi sang chăn nuôi đối tượng vật nuôi khác, song cần tìm hiểu kỹ thị trường, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, phòng tránh dịch bệnh. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, hướng phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) kết hợp trồng cỏ trên diện tích đất trống, đất trồng trọt kém hiệu quả; thực hiện vỗ béo trâu, bò thịt; phát triển chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top