Cần khắc phục việc chi tiền cấp bù thủy lợi phí chưa đúng quy định

09:38 - Thứ Năm, 27/02/2020 Lượt xem: 14726 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chính sách miễn, giảm thủy lợi phí của Chính phủ, hàng năm UBND tỉnh đều phân bổ nguồn ngân sách cấp bù thủy lợi phí (nay gọi là tiền hỗ trợ sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi) cho các huyện, thị xã và thành phố (sau đây gọi là đơn vị cấp huyện). Tuy nhiên, theo thống kê, từ năm 2016 đến nay có 4/10 đơn vị sử dụng nguồn kinh phí này sai quy định.

Nhân viên Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Ðiện Biên bơm nước chống hạn cho lúa tại xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 đơn vị cấp huyện và 2 công ty, gồm: Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Ðiện Biên và Công ty Cổ phần Xây dựng thủy lợi Ðiện Biên được phân bổ nguồn kinh phí này để thực hiện duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình thủy lợi và chi cho công tác quản lý, điều hành. Số tiền được phân bổ căn cứ trên tổng số các công trình thủy lợi và diện tích lúa, hoa màu. Theo Quyết định 211/1998/QÐ-BNN-QLN ngày 19/12/1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định về chế độ sử dụng kinh phí cho sửa chữa thường xuyên tài sản cố định của doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành hướng dẫn tại Văn bản 411/SNN-TL ngày 26/3/2014 về việc sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí được sử dụng vào 2 mục đích như sau: Dành cho công tác quản lý, điều hành tối đa 70% tổng số kinh phí thủy lợi phí của các công trình thủy lợi cho tổ chức hợp tác dùng nước trực tiếp quản lý. Chi cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên công trình (phát dọn, nạo vét kênh mương, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ công trình) tối thiểu 30% tổng số kinh phí. Ðối với nguồn kinh phí dành cho duy tu, sửa chữa nhỏ hàng năm đã trích nếu chưa sử dụng hết thì chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện, không được dùng và quyết toán vào việc khác.

Quy định là vậy, nhưng thực tế những năm qua việc sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí tại một số đơn vị cấp huyện chưa đúng quy định. Kinh phí Nhà nước hỗ trợ mới chỉ đến được cấp huyện, sử dụng chưa đúng mục đích, chưa giao cho các tổ chức hợp tác dùng nước để chi phí cho công tác quản lý, điều hành và sửa chữa nhỏ. Theo thống kê giai đoạn 2016 - 2018, có 4 đơn vị sử dụng nguồn kinh phí chưa đúng quy định, gồm các huyện: Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé và TP. Ðiện Biên Phủ. Các đơn vị này đã dùng 100% nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí cho việc sửa chữa lớn công trình hoặc đầu tư xây dựng các công trình mới là trái quy định.

Văn bản 411 của Sở NN&PTNT hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí hàng năm nhưng nhiều đơn vị vẫn chi chưa đúng.

TP. Ðiện Biên Phủ hiện có 17 công trình thủy lợi do địa phương quản lý (chưa tính 4 xã mới sáp nhập), phục vụ tưới tiêu cho hơn 307ha lúa 2 vụ. Căn cứ văn bản hướng dẫn của Sở Tài chính về việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí cấp bù thủy lợi phí hàng năm đối với cấp huyện thì các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi lập tờ trình dự toán gửi Phòng Kinh tế thành phố. Nhưng do chưa thành lập được các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi ở cơ sở nên việc lập dự toán hàng năm đều do Phòng Kinh tế căn cứ vào diện tích các công trình thủy lợi để lập dự toán gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt. Trong 3 năm từ 2017 - 2019, TP. Ðiện Biên Phủ được cấp bù kinh phí thủy lợi phí từ 378 triệu đồng - gần 391 triệu đồng/năm để chi công tác quản lý, điều hành và duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình thủy lợi. Song tại Báo cáo số 170/BC-KT ngày 5/8/2019 của Phòng Kinh tế thành phố về việc xây dựng kế hoạch diện tích và tình hình thực hiện kinh phí sử dụng sản phẩm công ích thủy lợi từ năm 2017 - 2019 cho thấy: Nguồn kinh phí này đều được xây dựng kế hoạch cho việc chi sửa chữa lớn (quy định chỉ được sửa chữa nhỏ). Ông Hoàng Văn Thiêm, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Mặc dù phòng xây dựng kế hoạch nhưng năm 2017 và 2018 phòng không được cấp nguồn kinh phí sản phẩm công ích thủy lợi. Còn năm 2019, phòng được giao dự toán 177 triệu đồng, hiện nay các xã, phường đang hoàn thiện việc thành lập các tổ quản lý thủy lợi cơ sở nên việc chi hỗ trợ kinh phí chưa thực hiện được. Ðối với Công ty TNHH Quản lý thủy nông Ðiện Biên, trung bình mỗi năm được phân bổ trên 15 tỷ đồng để chi cho công tác quản lý, điều hành và duy tu, sửa chữa nhỏ 33 công trình thủy lợi cấp tỉnh; gồm 12 công trình đầu mối là hồ chứa nước, 17 công trình là đập dâng nước và 4 trạm bơm, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 14.000ha lúa và hoa màu. Giai đoạn 2016 - 2018, Công ty đã chi 78,1% cho công tác quản lý, điều hành (quy định tối đa là 70%), còn lại chi cho công tác duy tu, sửa chữa nhỏ 21,9% (quy định tối thiểu 30%). Lý giải về vấn đề chi cho công tác duy tu, sửa chữa nhỏ chỉ có 21,9%, ông Nguyễn Văn Duyên, Chủ tịch Công ty TNHH Quản lý thủy nông Ðiện Biên khẳng định: “Trong nội dung chi cho sửa chữa thường xuyên, duy tu có 10% nguồn kinh phí dành cho công tác dự phòng, vì vậy công ty không chi sai so với quy định”. Tuy nhiên, theo Quyết định 211 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như văn bản hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì không có quy định hay hướng dẫn nào thể hiện phải dành 10% dự phòng cho công tác duy tu, sửa chữa nhỏ thường xuyên.

Theo ông Nguyễn Ðức Ðặng, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân là do nhiều địa phương chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác làm dịch vụ thủy nông, vì vậy lúng túng trong việc giao và cấp phát cho đối tượng quản lý, sử dụng. Chi cục Thủy lợi đã tham gia hướng dẫn các địa phương thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở (gồm hợp tác xã hoặc tổ hợp tác). Thế nhưng, đối với việc thành lập hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực quản lý, khai thác thủy lợi chưa hiệu quả, dẫn đến người dân không hào hứng thành lập. Còn đối với tổ hợp tác, quy mô đơn giản, chỉ cần một vài hộ dân có thể thành lập được, nhưng tổ hợp tác lại không có tư cách pháp nhân, vì vậy việc phân bổ nguồn kinh phí về tổ chức này rất khó, đặc biệt liên quan đến công tác quyết toán. Do đó đến nay hầu hết các địa phương đều chưa thành lập được các tổ chức thủy lợi cơ sở. Hiện tại các đơn vị cấp huyện đang áp dụng 4 mô hình, gồm: Doanh nghiệp quản lý (Mường Ảng và Tuần Giáo); Ban Quản lý thủy nông (Tủa Chùa); Hội dùng nước quản lý (Mường Chà, Nậm Pồ, TX. Mường Lay) và UBND xã quản lý (Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé và TP. Ðiện Biên Phủ). Song qua theo dõi, kiểm tra cho thấy cả 4 mô hình này đều chưa hoàn thiện về việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan.

Tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 917 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng. Trong đó cấp tỉnh quản lý 37 công trình, cấp huyện 880 công trình; tổng năng lực tưới theo thiết kế các công trình 37.669ha. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh được cấp bù thủy lợi phí khoảng 34 tỷ đồng. Việc chi kinh phí cấp bù thủy lợi phí thời gian qua không chỉ chưa đúng quy định mà còn góp phần dẫn đến tình trạng một số hệ thống thuỷ lợi chưa có tổ chức quản lý, khai thác phù hợp, một số công trình xuống cấp nhanh do không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top