Kinh tếMôi trường rừng

Đảm bảo chế độ cho người dân bảo vệ rừng

14:55 - Thứ Năm, 09/02/2023 Lượt xem: 3863 In bài viết

ĐBP - Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần làm giảm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Các cộng đồng, người dân nhận giao khoán quản lý và bảo vệ rừng cũng có thêm thu nhập. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chi trả DVMTR vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được các sở, ngành tháo gỡ. 

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thống nhất giải pháp giải quyết các vướng mắc, thủ tục liên quan chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông còn 92 chủ rừng chưa thực hiện mở tài khoản để được chi trả DVMTR với diện tích đủ điều kiện được hưởng chi trả là trên 130ha; 10 chủ rừng sai khác giữa giấy tờ tùy thân với quyết định giao đất, giao rừng; thông tin không trùng khớp giữa quyết định với bản đồ giao đất, giao rừng; 6 chủ rừng chồng lấn ranh giới diện tích rừng và 1 chủ rừng đã mất.

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến những tồn tại khó khăn, vướng mắc liên quan việc chi trả tiền DVMTR trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên Đông cho biết: Do thay đổi thông tin chủ sử dụng rừng (thay đổi chứng minh thư nhân dân bằng căn cước công dân, thay đổi tên đệm, họ, địa chỉ thường trú…). Cùng với quá trình lập hồ sơ giao đất, giao rừng còn thiếu sót dẫn đến sai thông tin chủ rừng trong hồ sơ. Đơn vị tư vấn sai sót trong quá trình biên tập bản đồ (một số lô rừng nằm trên địa giới hành chính giữa 2 xã nhưng không tách riêng thành các lô rừng khác nhau). Diện tích các lô rừng nhỏ, số tiền được hưởng chi trả DVMTR không lớn khiến người dân không thực hiện mở tài khoản và các thủ tục để được hưởng tiền DVMTR…

Còn với huyện Mường Nhé, một số chủ rừng chưa mở tài khoản ngân hàng và một số gia đình đã có quyết định thu hồi do chủ rừng tự nguyện trả lại rừng… nên vẫn còn khoảng gần 14 triệu đồng chưa thể chi trả cho người dân. Ông Lò Văn Tâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Nhé đề nghị: Đối với 5 hộ gia đình đã có quyết định thu hồi đợt tháng 1/2023 vừa qua, nhưng trong giai đoạn 2021 - 2022, các chủ rừng vẫn đang quản lý, bảo vệ rừng nên số tiền chi trả DVMTR giai đoạn đó đề nghị được chi trả bằng tiền mặt cho nhân dân. Còn việc chủ rừng chết, gia đình đã có biên bản họp thống nhất chuyển diện tích đất rừng cho con thứ 3 trong gia đình đứng tên để nhận tiền chi trả DVMTR, đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chuyển tiền vào số tài khoản của người được thừa kế.

Đại diện huyện Điện Biên nêu ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp giải quyết liên quan đến việc chi trả DVMTR trên địa bàn.

Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, đến thời điểm này, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại khó khăn, vướng mắc. Trong đó nhiều chủ rừng chưa đi mở tài khoản chi trả tiền DVMTR; thông tin chủ rừng không trùng khớp giữa quyết định với bản đồ giao đất, giao rừng; chủ rừng chưa bàn giao bản đồ và quyết định giao đất giao rừng; chủ rừng chưa điều chỉnh sáp nhập đổi tên theo quyết định của UBND tỉnh; nhóm, hộ gia đình giao đất, giao rừng không đúng theo quy định; chủ rừng chồng lấn ranh giới diện tích rừng; chủ rừng chết... Những nguyên nhân đó dẫn đến việc chưa thể chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng. Cụ thể, tính đến ngày 2/2/2023, tổng số tiền chưa đủ điều kiện chi trả DVMTR là hơn 3,9 tỷ đồng, với tổng diện tích là 6.152,128ha thuộc các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Tủa Chùa, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ.

Trước những khó khăn, vướng mắc đó, ngày 2/2/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp thống nhất nội dung các giải pháp giải quyết vướng mắc, thủ tục liên quan nhằm đảm bảo điều kiện chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng. Qua ý kiến trao đổi, thảo luận giữa các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất: Việc chủ rừng sai khác giữa giấy tờ tùy thân với quyết định giao đất, giao rừng; thông tin không trùng khớp giữa quyết định với bản đồ giao đất, giao rừng; chủ rừng chưa bàn giao quyết định và bản đồ giao đất, giao rừng; chủ rừng chưa điều chỉnh sáp nhập đổi tên theo quyết định của UBND tỉnh, các huyện, thành phố sớm hoàn thiện việc điều chỉnh, đính chính các thông tin gửi về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trước ngày 28/02/2023. Còn chủ rừng chồng lấn ranh giới diện tích rừng liên quan đến địa giới hành chính, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh, phối hợp với các sở ngành có liên quan và UBND các huyện sớm giải quyết để chủ rừng được nhận tiền chi trả DVMTR. Các huyện, thành phố, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cùng các đơn vị có liên quan tiếp tục vận động, hướng dẫn chủ rừng chưa mở tài khoản làm thủ tục mở tài khoản để nhận tiền chi trả DVMTR…

Với mục đích giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành và địa phương, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã vào cuộc quyết liệt nhằm đảm bảo chế độ, chính sách cho các chủ rừng; động viên người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top