Kinh tếMôi trường rừng

Kịp thời đảm bảo quyền lợi cho chủ rừng

16:04 - Thứ Tư, 20/12/2023 Lượt xem: 2466 In bài viết

ĐBP - Nhằm kiểm tra diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) lưu vực Sông Đà năm 2023, vừa qua, Ban Điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã và chính quyền địa phương, các chủ rừng thống nhất kiểm tra một số lô rừng có diện tích biến động. Qua kiểm tra, những diện tích rừng đạt tiêu chí thành rừng và đủ điều kiện cung ứng sẽ được hưởng tiền DVMTR, mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục trước khi nhận tiền chi trả DVMTR.

Cách đây hơn 1 tháng, Ban Điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tiến hành kiểm tra diện tích, trạng thái một số lô rừng có biến động đang được hưởng tiền chi trả DVMTR thuộc các xã/thị trấn trên địa bàn các huyện thuộc lưu vực Sông Đà: Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Nhé và TX. Mường Lay. Chia sẻ về phương pháp kiểm tra diện tích rừng, ông Phan Anh Sơn, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết: Để kiểm tra rừng, chúng tôi đã chủ trì, phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công chức chuyên môn các xã/thị trấn thao tác và trình chiếu kết quả chồng xếp bản đồ theo dõi diễn biến rừng 6 tháng đầu năm 2023, bản đồ chi trả DVMTR năm 2022. Kết hợp khoanh vẽ trên ảnh vệ tinh Planet, Sentinel-2, Google Earth, tổng hợp diện tích biển động. Sau đó sẽ thống nhất diện tích, trạng thái rừng biển động với các chủ rừng tại trụ sở UBND xã/thị trấn. Nếu trường hợp chủ rừng không nhất trí kết quả thì tiến hành kiểm tra ngoài thực địa về vị trí, diện tích và hiện trạng rừng.

Qua việc chồng xếp các loại bản đồ số trên nền ảnh viễn thám với tổng diện tích kiểm tra các địa phương như sau: Điện Biên (771,91ha), Mường Chà (hơn 14.100ha, Tuần Giáo (6.728ha), Tủa Chùa (10.444ha), Nậm Pồ (29.001ha), Mường Nhé (10.976ha) và TX. Mường Lay (1.269ha). Qua kiểm tra, các chủ rừng có diện tích rừng biến động đều nhận biết, xác định rõ các vị trí, địa điểm, diện tích chưa đủ điều kiện cung ứng DVMTR, diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR và công nhận kết quả kiểm tra của tổ công tác; ký biên bản làm việc thống nhất trạng thái, diện tích rừng với tổ kiểm tra. 

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phối hợp với Hạt Kiểm lâm Mường Nhé và các chủ rừng kiểm tra diện tích rừng biến động trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Việc kiểm tra diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng chi trả DVMTR có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm kịp thời mang lại nguồn thu nhập và hơn thế là tiếp thêm động lực cho người dân. Việc đảm bảo quyền lợi cho các chủ rừng một cách kịp thời đã khẳng định tính hiệu của chính sách chi trả DVMTR trong quá trình thực hiện mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, năm 2023, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng được chi trả DVMTR được hơn 2,3 triệu đồng/hộ/năm. Điển hình tại xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé có một số hộ gia đình có mức thu nhập từ chi trả DVMTR cao như: Cộng đồng bản Pa Ma, bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận được 130 triệu đồng/năm; cộng đồng bản Tả Ló San, bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận được 121 triệu đồng/năm; cộng đồng bản Long San, bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận được 67 triệu đồng/năm... Sau khi kiểm tra, các diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR, người dân sẽ nhanh chóng được hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục để sớm được hưởng tiền chi trả DVMTR. Như vậy, thu nhập của nhiều chủ rừng sẽ còn cao hơn không chỉ sử dụng trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao mà còn giúp chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nâng cao đời sống.

Các lực lượng chức năng cùng chủ rừng chủ động đến thực địa xác minh hiện trạng rừng.

Thực tế trong thời gian qua, chính sách chi trả DVMTR mang lại nguồn thu nhập cho người dân, góp phần cải thiện đời sống; đó là điều kiện tiên quyết thúc đẩy nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và quản lý rừng. Sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong toàn tỉnh đã tạo ra những tín hiệu tích cực. Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết: Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trong năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm đã góp phần làm tốt hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng như trong phòng, chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tại những khu vực được chi trả DVMTR, người dân chú trọng hơn trong công tác bảo vệ rừng, hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Ngoài ra, chính sách chi trả DVMTR đã huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên, nâng số hộ tham gia trực tiếp bảo vệ rừng hàng năm: hơn 75.000 hộ (năm 2019), hơn 85.000 hộ (năm 2020), hơn 95.000 hộ (năm 2021), gần 96.000 hộ (năm 2022) và hơn 96.000 hộ (năm 2023).

Từ đó có thể khẳng định chính sách chi trả DVMTR đã gắn được trách nhiệm và lợi ích của người dân đối với rừng; đồng thời góp phần quan trọng nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh, giúp người dân vùng sâu, vùng xa từng bước cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận

Tin khác

Back To Top