Đảm bảo phán quyết của tòa án chính xác, đúng pháp luật

05:43 - Thứ Hai, 08/11/2021 Lượt xem: 4042 In bài viết

ĐBP - Chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, Tòa án Nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh Điện Biên đảm bảo các phán quyết của Tòa án chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; hạn chế thấp nhất bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan.    

Tòa án nhân dân huyện Mường Nhé tổ chức phiên xét xử lưu động tại xã Nậm Kè. Ảnh: Tú Chinh

Ông Phạm Văn Nam, Chánh án TAND tỉnh cho biết: TAND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, tổng kết rút kinh nghiệm; kịp thời báo cáo TAND tối cao những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn xét xử, trao đổi những vấn đề chưa chính xác trong các hướng dẫn.

Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác xét xử được TAND tỉnh chú trọng trong những năm qua là công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án và các chức danh khác. Hàng năm, TAND tỉnh căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch công chức, chức vụ và nhu cầu phát triển đội ngũ công chức để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Nhờ đó đến nay trình độ chuyên môn và lý luận chính trị của cán bộ công chức TAND 2 cấp đã đáp ứng tốt yêu cầu, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành. Hiện nay TAND 2 cấp có 32 thạc sĩ (tăng gấp 4,5 lần so với năm 2016), trình độ đại học 93 người; cao cấp lý luận chính trị 16 người, trung cấp chính trị 54 người (gấp 6 lần).

Trong công tác xét xử, ngành TAND tỉnh luôn đề cao trách nhiệm từng cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; đổi mới lề lối làm việc của các tòa, phòng chức năng bảo đảm việc thụ lý, giải quyết các vụ án và tiến hành các thủ tục thuận lợi, đưa ra xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan trong giải quyết các vụ án. Đối với các vụ án hình sự, TAND phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, lực lượng chức năng hoàn thiện hồ sơ đưa ra xét xử đúng trình tự thủ tục; kết quả phán quyết tuân thủ quy định của pháp luật trên cơ sở chứng cứ, tài liệu đầy đủ, khách quan. Trong các vụ án dân sự, hành chính, lao động, TAND 2 cấp chủ động trao đổi, phối hợp với UBND và cơ quan chuyên môn các cấp về việc cung cấp thông tin, tài liệu. Giải quyết vụ việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; trong đó chú trọng việc đối thoại, hòa giải giúp đương sự hiểu rõ các quy định của pháp luật từ đó nghiêm túc chấp hành.

Đổi mới từ mô hình tố tụng xét hỏi sang nguyên tắc tranh tụng được coi là khâu đột phá trong hoạt động xét xử, đảm bảo các bên được thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật.

Về nội dung này, Chánh án TAND tỉnh Phạm Văn Nam cho biết: Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử có ý nghĩa bảo đảm quyền con người, đảm bảo hoạt động tố tụng được diễn ra khách quan, minh bạch, dân chủ, công bằng; là căn cứ để xác định sự thật vụ án và là cơ sở để Hội đồng xét xử đưa ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thực hiện “nguyên tắc bảo đảm tranh tụng”, TAND 2 cấp tỉnh Điện Biên đã đảm bảo cho các bên được tranh tụng khách quan, minh bạch, công bằng, bình đẳng với nhau trước tòa. Hội đồng xét xử luôn lắng nghe các bên tranh luận và phán quyết chủ yếu dựa trên lý lẽ các bên đưa ra. Bản án, quyết định của tòa án căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Nhằm đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, TAND 2 cấp tỉnh Điện Biên chú trọng xem xét, lựa chọn vụ án để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Các vụ án được lựa chọn thường có tính chất phức tạp hoặc vụ án có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Trong năm 2021, TAND 2 cấp đã tổ chức 99 phiên tòa rút kinh nghiệm với 49 thẩm phán. Qua đó giúp đội ngũ thẩm phán rèn luyện kỹ năng điều hành phiên tòa, coi trọng kết quả tranh tụng tại phiên tòa; đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác chuẩn bị để các phiên tòa sau này được tổ chức chất lượng, hiệu quả hơn. Đây cũng là dịp để các thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án trau dồi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ đồng nghiệp.

Một giải pháp quan trọng cũng được ngành tòa án tỉnh chú trọng trong thời gian qua là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Các bản án được số hóa lưu trữ điện tử; hệ thống điều hành và quản lý văn bản (Ioffice) giúp quản lý, tra cứu thông tin thuận tiện, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian chi phí đồng thời giúp TAND trao đổi, ban hành các văn bản, quyết định chính xác, đúng thể thức. Hiện nay TAND 2 cấp tỉnh Điện Biên sử dụng hệ thống camera giám sát phiên tòa được kết nối từ phòng xét xử đến phòng làm việc của Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch HĐND cùng cấp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách, nâng cao chất lượng xét xử, năm 2021 TAND 2 cấp tỉnh Điện Biên đã thụ lý 3.061 vụ việc các loại; đã giải quyết 2.931 vụ việc; tỷ lệ án hủy, sửa do lỗi chủ quan là 0,89% (chỉ tiêu theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV là bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án).

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top