Y tếPhòng, chống Covid-19

Không chủ quan với dịch Covid-19

08:16 - Thứ Tư, 03/08/2022 Lượt xem: 10549 In bài viết

ĐBP - Từ ngày 5/2/2021 đến nay, lũy tích số bệnh nhân mắc Covid-19 tỉnh ta là 88.492; điều trị khỏi và xuất viện 88.433 bệnh nhân. Tổng số tử vong lũy tích là 20 bệnh nhân (TP. Điện Biên Phủ 5; huyện Điện Biên 5; huyện Điện Biên Đông 1; huyện Mường Ảng 1; huyện Tuần Giáo 3; huyện Tủa Chùa 1; huyện Nậm Pồ 2; huyện Mường Chà 2). Hiện đang điều trị 39 bệnh nhân.

Đoàn viên, thanh niên xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Dù đã có kế hoạch, phương án thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Việc bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cũng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Song theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế và các cơ quan chức năng mức độ nguy hiểm, cũng như những hệ quả bất lợi do dịch gây ra rất đáng lo ngại. Do tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch xuất hiện trong nhân dân, khiến cho những lo ngại đỉnh điểm mới về số ca nhiễm sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới đây.

Dạo quanh các khu vực chợ (Mường Thanh, C13...), các cửa hàng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ không khó bắt gặp những hình ảnh người dân không chấp hành nguyên tắc 5k trong phòng chống dịch. Điều dễ nhận thấy là việc không đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc đeo khẩu trang không đảm bảo đúng quy cách. Hiện nay, khẩu trang dần đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người khi ra đường. Tuy nhiên khi tiếp xúc nhau, đặc biệt là tiếp xúc gần thì chiếc khẩu trang liền bị tháo, bỏ vào túi. Đây là những hành động khá quen thuộc của nhiều người.

Chị Nguyễn Thị H., tiểu thương bán thịt lợn tại chợ C13 chia sẻ: Covid-19 giờ bình thường rồi, chúng tôi đều được tiêm vắc xin đầy đủ; Covid-19 chỉ như cúm mùa thôi, có triệu chứng nào thì điều trị triệu chứng ấy.

Thực tế cho thấy toàn xã hội đã thay đổi để thích ứng với cuộc sống “bình thường mới”. Hiện nay, nhiễm Covid-19 dù không còn nguy hiểm ở mức cao như trước đây vì độ bao phủ vắc xin đã được ngành chức năng triển khai đạt nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, “bình thường mới” chứ không phải buông lỏng; lạc quan chứ không phải chủ quan. Khuyến cáo của ngành Y tế, rủi ro vẫn còn đối với người bị nhiễm bệnh. Tất cả còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như lượng kháng thể, tình trạng sức khỏe người bệnh, bệnh nền (nếu có) cách sống và lối sống, phương thức điều trị... Không những thế, một khi nhiễm bệnh thì không chỉ ảnh hưởng về sức khỏe ở hiện tại lẫn sau này (hậu Covid-19). Mất thời gian điều trị, công việc ngưng trệ. Một khi bản thân nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc tốt, thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống theo khuyến cáo của ngành Y tế thì khả năng lây lan cho người thân và cộng đồng là rất cao.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế tỉnh, người dân không nên chủ quan, lơ là. Đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh còn đang diễn biến chứ không phải là hết dịch. Bất kỳ ai có biểu hiện nghi mắc bệnh, phải xét nghiệm; báo cáo ngành y tế địa phương khi bị mắc Covid-19; đồng thời, thực hiện nghiêm việc cách ly, điều trị để đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cáo ý thức của nhân dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm túc quy định 5K. Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Tuyệt đối không được giấu bệnh, tự ý sử dụng thuốc kháng vi rút khi chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan y tế, vì nếu bệnh chuyển biến nặng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, tiêm chủng là trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân để phòng, chống dịch. Vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4), tiêm cho trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (tiêm mũi 1, mũi 2).

Những người dân đủ điều kiện tiêm chủng mà không đồng ý tiêm phải có cam kết trách nhiệm. UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan cần huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, nghiêm túc chỉ đạo “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để rà soát, quản lý đối tượng, nắm vững danh sách đến từng người dân trên địa bàn về tiền sử tiêm vắc xin phòng Covid-19 để có kế hoạch tiêm chủng cụ thể cho từng nhóm đối tượng, đảm bảo không bỏ sót đối tượng.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top