Các hãng hàng không Thái Lan bên bờ vực phá sản

13:44 - Thứ Sáu, 23/07/2021 Lượt xem: 4371 In bài viết

Ngày 22/7, Hiệp hội Hàng không Thái Lan (AAT) đưa ra dự báo sẽ có khoảng 20 nghìn nhân viên thuộc 7 hãng hàng không của nước này có nguy cơ bị mất việc, nếu lệnh cấm các chuyến bay nội địa kéo dài trong 3 tháng mà không có sự trợ giúp từ khoản vay ưu đãi 5 tỷ bạt của Chính phủ.

Hãng hàng không Thai Airways đã lâm vào tình trạng phá sản sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Thái Lan. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)

Tờ Bưu điện Bangkok dẫn lời Chủ tịch AAT Puttipong Prasarttong-Osoth nói rằng, ngành công nghiệp hàng không Thái Lan đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Thái Lan với số lượng hành khách sụt giảm tới 64,7% trong năm 2020. Tình hình hiện nay đang khiến nguồn tiền mặt của các hãng hàng không trở nên cạn kiệt khi từ ngày 21/7, họ buộc phải dừng các chuyến bay nội địa đi và đến các tỉnh thuộc vùng kiểm soát dịch tối đa - mầu “đỏ thẫm”.

Ông nói: “Chúng tôi đã chờ đợi khoản vay ưu đãi trong suốt 478 ngày qua bất chấp cam kết hỗ trợ mà Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đưa ra ngày 28/8/2020. Tất cả các hãng hàng không phải đối mặt với những tổn thất lớn khi biên giới đóng cửa đầu năm ngoái. Nếu chúng tôi không nhận được sự trợ giúp trong vòng 1 tháng sẽ có thêm hãng hàng không phải giảm quy mô hoặc không thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh”.

Giám đốc điều hành Thai AirAiss, Santisuk Klongchaiya cho biết, lệnh cấm được áp đặt ở thủ đô Bangkok, trung tâm hàng không của Thái Lan, đồng nghĩa với việc 170 máy bay của 7 hãng hàng không nước này phải dừng bay mà không có nguồn thu nhập mới, trong khi vẫn phải trả khoản chi phí hằng tháng lên tới 900 triệu bạt như trong 17 tháng qua. Ông chia sẻ, tổng chi phí mà 7 hãng hàng không Thái Lan đã phải bỏ ra trong 17 tháng qua đã lên tới khoảng 15 tỷ bạt (tương đương hơn 450 triệu USD).

TAA đã chủ động giảm số tiền đề nghị hỗ trợ từ 24 tỷ bạt ban đầu xuống chỉ còn 5 tỷ bạt, chủ yếu dùng cho mục đích duy trì nguồn nhân lực, tuy nhiên họ vẫn chưa nhận được câu trả lời của Chính phủ.

Ông Santisuk nói rằng, TAA và các hãng hàng không khác đang phải đối mặt với việc mất khả năng thanh khoản nghiêm trọng bởi suốt từ khi làn sóng dịch thứ nhất bùng phát đến nay, họ chỉ có thể thực hiện các chuyến bay nội địa trong khoảng thời gian từ 3-4 tháng.

Còn Giám đốc điều hành Thái Vietjet (TVJ) Woranate Laprabang thì cho rằng, với kịch bản xấu nhất, nếu Thái Lan buộc dừng hoạt động vận chuyển khách hàng không để kiểm soát tình hình dịch trong vòng 3 tháng, tất cả các hãng hàng không Thái Lan sẽ phá sản. Ông cho biết, tất cả các hãng hàng không Thái đang phải tự vật lộn bằng cách thực hiện các chương trình cắt giảm chi phí nghiêm ngặt. Khoản vay lãi suất thấp mà AAT đang hy vọng chính phủ cung cấp sẽ giúp duy trì việc làm cho các nhân viên cho tới cuối năm nay.

Ông Woranate nói: “Sự sống còn của chúng tôi sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ lây nhiễm dịch, chương trình tiêm chủng vaccine và dòng tiền mặt. Chúng tôi vẫn hy vọng rằng, chính phủ sẽ dành khoản hỗ trợ tài chính hiện đã được giảm xuống để có tính khả thi đối với ngân hàng EXIM Bank”.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng Nok Air Wutthiphum Jurangkool chia sẻ, các hãng hàng không Thái Lan cũng đề nghị một khoản vay không thế chấp với lãi suất thấp bởi hầu hết các hãng không có tài sản như các doanh nghiệp khác. Các đội máy bay đều là máy bay thuê theo hợp đồng”.

Ngoài khoản vay ưu đãi để trả lương cho nhân viên, các hãng hàng không cũng muốn Chính phủ Thái Lan hỗ trợ giảm gánh nặng chi phí khác như tiếp tục giảm phí dẫn đường liên quan tới hoạt động không lưu và kéo dài giảm thuế nhiên liệu xăng máy bay tới cuối năm nay.

Ông Wutthiphum nói: “Bên cạnh 7 hãng hàng không trong hiệp hội, các cơ quan nhà nước nên trợ giúp tất cả các hãng hàng không trong nước một cách bình đẳng. Ngành công nghiệp hàng không là một phần không thể tách rời của ngành du lịch, hậu cần và xuất khẩu. Nếu bất kỳ hãng hàng không nào phá sản sẽ tạo ra ảnh hưởng với cấp số nhân đối với toàn bộ nền kinh tế”.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Thai Smile Airways Charita Leelayudth cho rằng, cơ hội để nhận được hỗ trợ tài chính từ các cơ quan nhà nước khác là rất khó khăn. Bà nói rằng, bên cạnh yêu cầu về khoản vay ưu đãi đối với Bộ Tài chính, các hãng hàng không cũng đã thảo luận với Bộ Lao động và kêu gọi sự giúp đỡ của Văn phòng An ninh xã hội (SSO). Bà nói: “SSO trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi vậy cơ quan này chỉ có thể phân bổ một khoản vay khoảng 15 triệu bạt, quá nhỏ đối với những công ty lớn như chúng tôi”.

AAT được thành lập năm 2020 với sự tham gia của 7 hãng hàng không Thái Lan bao gồm Bangkok Airways, Thai AirAsia, Nok Air, Thai Lion Air, Thai VietJet, Thai Smile Airways và Thai AirAsia X. Đề nghị về khoản vay ưu đãi là một trong những nhiệm vụ chính của hiệp hội này nhằm giúp các hãng hàng không chống chọi với đại dịch Covid-19.

P.V (theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top