Vì sao Mỹ “rã băng” 7 tỷ USD của Afghanistan?

09:21 - Thứ Hai, 14/02/2022 Lượt xem: 3559 In bài viết

Trong động thái gây bất ngờ cho giới quan sát, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh giải ngân 7 tỷ USD thuộc sở hữu của chính phủ tiền nhiệm ở Afghanistan vốn đã bị chính quyền Washington “đóng băng” trước đó. Đây được xem là bước mở đầu nhằm tháo gỡ các nút thắt pháp lý, chính trị, vốn đang cản trở nỗ lực nhân đạo hỗ trợ người dân Afghanistan trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Người dân tại thủ đô Kabul của Afghanistan xếp hàng nhận viện trợ lương thực.

Theo Washington, động thái “rất bất thường” được ông chủ Nhà Trắng vận dụng Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế của nước Mỹ. Đây là bước đầu tiên trong quá trình pháp lý dài hơi được tính toán kỹ lưỡng, nhằm thành lập một quỹ tín thác và chuyển tiền từ Ngân hàng Trung ương Afghanistan (DBA) sang Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (FED New York).

Trong giai đoạn đầu, sắc lệnh đóng băng tài sản của DBA - ước tính lên tới 7 tỷ USD bao gồm tiền mặt, vàng và trái phiếu, đồng thời buộc các tổ chức tài chính Mỹ phải chuyển phần mà mình đang quản lý về FED New York. Thực tế, lượng tiền này chủ yếu là những khoản viện trợ quốc tế Afghanistan nhận được trong nhiều năm qua và đã bị phong tỏa kể từ tháng 8-2021 - thời điểm chính quyền tiền nhiệm ở Kabul sụp đổ và lực lượng Taliban trở lại nắm quyền kiểm soát Afghanistan. Nếu việc chuyển tiền diễn ra suôn sẻ, khoảng 3,5 tỷ USD sẽ được sử dụng để bồi thường cho các gia đình nạn nhân vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001. Số tiền còn lại sẽ được chuyển đến hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan.

Dĩ nhiên, chính quyền hiện tại ở Afghanistan không được tiếp cận nguồn tài chính khổng lồ này, trong bối cảnh Washington vẫn coi Taliban là tổ chức khủng bố và lo ngại lực lượng này có thể sử dụng số tiền nhận được cho các mục đích khác ngoài giúp đỡ người dân. Các quan chức Mỹ nêu rõ, bên cạnh việc tham khảo ý kiến những chính phủ đang chung tay giúp đỡ Afghanistan, Washington cũng đang thảo luận với giới chuyên môn nhằm đặt ra những “biện pháp kiểm soát thích hợp” để bảo đảm dòng tiền sẽ không chảy vào túi Taliban.

Theo giới quan sát, bước đi lần này của chính quyền Mỹ là “chưa từng có”, khi Washington nắm giữ số tiền khổng lồ thuộc sở hữu của một quốc gia không có chính phủ được công nhận. Nhiều ý kiến đánh giá, hành động mang lại lợi ích cho người dân là đáng hoan nghênh, nhất là khi Liên hợp quốc mới đây phát đi cảnh báo về việc 23 triệu người Afghanistan đang cần hỗ trợ, qua đó kêu gọi tài trợ hơn 5 tỷ USD cho Afghanistan. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng cho biết, có tới 8,7 triệu người ở quốc gia Nam Á có nguy cơ bị đói khi giá thực phẩm tăng cao.

Theo giới quan sát, động thái lần này của Tổng thống J.Biden phù hợp với mong muốn chính trị trong nội bộ xứ Cờ hoa. Từ cuối năm 2021, các nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi Nhà Trắng tránh áp dụng các biện pháp kinh tế cứng rắn, với lo ngại sẽ gây tổn hại trực tiếp đến gia đình và trẻ em Afghanistan. Việc cắt đứt nguồn tài chính cũng khiến lạm phát gia tăng, dẫn tới các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp của quốc gia Nam Á phải đóng cửa. Một khi nền kinh tế Afghanistan sụp đổ, chính quyền Taliban sẽ xa cách với Mỹ, tăng nguy cơ hiện diện của các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ. Nhiều nghị sĩ Mỹ còn lo ngại, khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng di cư mới trong khu vực, có thể khiến số người thiệt mạng trong năm 2022 cao hơn số người bỏ mạng trong cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm qua tại nước này.

Mặc dù mới ở giai đoạn thực thi ban đầu và còn cần nhiều thời gian để hiện thực hóa nhưng sắc lệnh mới của Tổng thống Mỹ J.Biden được giới phân tích xem là sự khởi đầu nhằm gỡ bỏ những nút thắt pháp lý, chính trị, từng bước mở đường cho các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo giúp người dân Afghanistan vượt qua cơn nguy khó.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top