Tiền có vẫn khó giải ngân

07:11 - Thứ Năm, 16/03/2023 Lượt xem: 48091 In bài viết

ĐBP - Để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19, từ tháng 5/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước cho các khoản vay của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh song việc giải ngân rất chậm. Đến thời điểm này, khoản vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 trên địa bàn tỉnh mới chỉ giải ngân cho 1 khách hàng với số tiền 1,44 tỷ đồng. Tương tự, nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia tiến độ giải ngân cũng rất chậm khi nguồn vốn tỉnh được phân bổ năm 2022 mới giải ngân đạt 55,43%. Tiền có nhưng vẫn khó giải ngân, vì sao vậy?

Tìm hiểu từ một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho thấy, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2% khó đáp ứng các điều kiện, tiêu chí và ngại cả thủ tục thanh tra, kiểm toán về sau. Điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận gói hỗ trợ là phải có khả năng trả nợ và khả năng phục hồi trong khi hai năm dịch Covid-19 các doanh nghiệp đều khó xoay xở, hoạt động. Thời điểm kiểm toán, nếu doanh nghiệp được đánh giá không có khả năng phục hồi sẽ bị thu hồi khoản vay hỗ trợ hoặc bị đưa vào diện trục lợi chính sách. Với các ngân hàng, lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải lập sổ sách, theo dõi hồ sơ và các quy định liên quan phục vụ kiểm toán cũng được cân nhắc. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại phải khẩn trương triển khai gói hỗ trợ lãi suất để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 song vẫn phải đảm bảo các điều kiện, quy định cho vay hỗ trợ lãi suất.

Với gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chủ yếu do không đáp ứng điều kiện cho vay khi hầu hết doanh nghiệp siêu nhỏ. Thêm vào đó, e ngại điều kiện về “có khả năng phục hồi” nên một số khách hàng từ chối nhu cầu cho vay hỗ trợ để khỏi phiền hà, phức tạp khi thanh tra, hậu kiểm sau này. Một số quy định, điều khoản để được hỗ trợ lãi suất khó thực hiện khi chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc khó xác định. Từ thực tế việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất rất chậm ở các địa phương trong cả nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với một số bộ khảo sát thực tế và tổng hợp những kiến nghị, vướng mắc để tháo gỡ đẩy nhanh giải ngân. Theo đó, sẽ xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ, đồng thời đề xuất cần hướng dẫn quy định “có khả năng phục hồi” nghĩa là “đáp ứng điều kiện cho vay”, thay vì các tiêu chí cụ thể khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng tiếp cận vốn vay hỗ trợ.

Rõ ràng là tiền có nhưng khó giải ngân khi khách hàng e ngại nhiều điều kiện, quy định để vay vốn hỗ trợ. Ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất là sự tạo điều kiện rất lớn để phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng có lẽ bởi các quy định khó đáp ứng nên doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh không tiếp cận nguồn vốn này. Cùng với gói hỗ trợ lãi suất 2% thì việc giải ngân nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh cũng rất chậm. Nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Điện Biên được phân bổ năm 2022 là 1.152 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 1/2023 thực hiện giải ngân chỉ đạt 55,43%. Nguyên nhân lý giải là do việc phân bổ vốn muộn (tháng 5/2022) nên việc giải ngân chưa thể đảm bảo tiến độ. Cũng bởi phân bổ muộn nên nguồn vốn năm 2022 được tiếp tục kéo dài sang năm 2023 song thực tế việc giải ngân vẫn chưa đảm bảo tiến độ. Trong khi đó, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 tỉnh ta tiếp tục được phân bổ số tiền 1.176 tỷ đồng. Nếu như các địa phương không giải ngân đảm bảo tiến độ sẽ bị thu hồi vốn phân bổ cho địa phương khác hoặc chương trình khác. Điều này sẽ thiệt hại trước hết với địa phương, khách hàng và người dân khi không được thụ hưởng các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mức sống.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tổ chức ngày 21/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định, gói hỗ trợ 2% lãi suất tiến độ giải ngân rất chậm, chỉ đạt 0,2% tổng nguồn lực và khó có thể giải ngân hết trong năm 2023. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần dự kiến khả năng thực hiện, số tiền có thể giải ngân và đề xuất phương án xử lý số tiền còn lại. Như vậy, việc giải ngân chậm gói hỗ trợ lãi suất không chỉ riêng với Điện Biên mà là tình trạng chung trong cả nước. Điều này đã được khảo sát, đánh giá và thảo luận biện pháp xử lý, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19. Việc giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá đúng nguyên nhân, vướng mắc, có giải pháp tháo gỡ, để nguồn vốn được hiện thực hóa thành công trình, dự án cụ thể mang lại lợi ích cho đồng bào các dân tộc thụ hưởng.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top