Quyết liệt giảm “chi phí không chính thức”

08:04 - Thứ Năm, 18/05/2023 Lượt xem: 41879 In bài viết

ĐBP - Chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh đạt 59,85 điểm (giảm 2,01 điểm), giảm 9 bậc so với năm 2021 và xếp thứ 62/63 tỉnh, thành toàn quốc. Mục tiêu của tỉnh đặt ra là PCI năm 2022 nằm trong nhóm xếp hạng khá của cả nước, nhưng thực tế thì đang ngược lại. Có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến PCI của tỉnh giảm.

Qua phân tích 10 chỉ số thành phần, có 4 chỉ số tăng cả điểm và xếp hạng; 1 chỉ số tăng điểm nhưng giảm xếp hạng; 1 chỉ số giảm điểm nhưng tăng xếp hạng; 4 chỉ số giảm cả điểm và xếp hạng so với năm 2021.

Chỉ số “tính minh bạch” đạt 5,80 điểm (giảm 0,46 điểm), xếp thứ 43 cả nước (giảm 24 bậc so với năm 2021). Sự giảm điểm cho thấy, việc minh bạch hóa thông tin thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là các thông tin về dự án, quy hoạch, kế hoạch chiến lược...

Về chỉ số “chi phí không chính thức” đạt 5,32 điểm (giảm 0,75 điểm), xếp thứ 63 (giảm 7 bậc). Chỉ số này có trọng số lớn (15%) trong cách tính điểm chung của bộ chỉ số PCI. Chính vì vậy, nếu chỉ số này có kết quả thấp sẽ kéo điểm chỉ số PCI giảm sâu.

Chỉ số “cạnh tranh bình đẳng” năm 2022 bị giảm điểm và giảm xếp hạng nhiều nhất trong các chỉ số. Điều này chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp chưa đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc tạo dựng sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp.

Chỉ số PCI giảm điểm, đồng nghĩa với niềm tin của doanh nghiệp sụt giảm. Trong đó, các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%).

Muốn nâng cao chỉ số PCI, cần phải phân tích thế mạnh, điểm yếu các chỉ số thành phần của năm qua. Và rõ ràng, năm 2022, Điện Biên đứng thứ 63 tỉnh thành cả nước về chỉ số “chi phí không chính thức” là điều cần suy ngẫm.

“Chi phí không chính thức” là các khoản chi mà doanh nghiệp phải bỏ ra để chi trả các khoản phí không liên quan đến sản xuất, đầu tư, tiền phạt và các khoản phí bất thường khác trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Nói theo dân gian là chi phí “dưới gầm bàn”, “trong phòng kín”, “trên bàn nhậu”... để “bôi trơn” cho một bộ hồ sơ, hoặc một dự án đang bị vướng mắc chỗ nào đó.

Người dân, doanh nghiệp biết rất rõ các loại chi phí này. Lâu nay, nó như một thứ “quy định ngầm”, ai muốn được việc nhanh thì cần tuân thủ “luật bất thành văn” này. Chính những “con sâu” trong bộ máy chính quyền đã tạo nên các loại “chi phí không chính thức”, nó làm ảnh hưởng đến chất lượng hành chính của các cấp chính quyền.

Phân tích của cơ quan chuyên môn cho thấy, người dân, doanh nghiệp chấp nhận “chi phí không chính thức”, nhưng lòng không tin, tâm không phục; kiểu tặc lưỡi cho qua để được việc của mình. “Chi phí không chính thức” đã gây thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

Khách quan đánh giá, nhiều năm qua, Điện Biên đã nỗ lực cải cách hành chính; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chương trình hành động về cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện tại cấp sở, ngành, huyện thị… lại “vướng”. Cách thức làm việc kiểu: “Tỉnh mở” nhưng “sở thắt” đã gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính; tận dụng cơ hội, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Do vậy, tới đây, tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.

Muốn dẹp “chi phí không chính thức”, thì phải dẹp được những “con sâu” trong bộ máy hành chính công quyền, thay vào đó bằng người đủ đức, đủ tài, tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Có nghĩa, việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ công chức phải minh bạch, khách quan; vì việc bố trí người, chứ không vì người bố trí việc. Cùng với đó, phải có mức lương và phụ cấp đủ sức hấp dẫn để đãi ngộ người làm việc tốt, tận tâm cống hiến vì nghề, vì sự phát triển của xã hội.

Một mặt, đạo đức công vụ cũng cần được soi chiếu bởi cán cân của pháp luật và các quy định của Đảng, Nhà nước. Nếu cán bộ sai phạm, hay “sợ sai” không chịu làm; tìm cách đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, hoặc cố tình “vòi vĩnh”, hách dịch… thì phải xử thật nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh người khác.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top