Những người giữ hồn nhạc cụ dân tộc

07:27 - Thứ Bảy, 28/01/2023 Lượt xem: 4872 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống nên nơi đây sớm đã trở thành “cái nôi” tổng hòa của nhiều nền văn hóa đặc trưng của các dân tộc. Cho dù cuộc sống ngày càng phát triển kéo theo sự tiến bộ, hiện đại của các nhạc cụ âm nhạc, song những âm vang từ tiếng khèn, tiếng pí, đàn môi... sẽ còn vang mãi và không thể thay thế bởi vẫn còn đó những nghệ nhân luôn trăn trở với mong muốn lưu giữ, bảo tồn nhạc cụ dân tộc cho thế hệ sau này. 

Giờ đây, người biết thổi pí có thể còn nhiều song người biết chế tạo pí ngày càng ít nên việc lưu truyền cho thế hệ mai sau rất cần thiết. Trong ảnh: Ông Hom chế tạo các loại pí - nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái.

Ở tuổi “thất thập” nhưng ông Quàng Văn Hom, bản Na Ten, xã Hua Thanh (huyện Điện Biên) vẫn luôn gắn bó với cây pí - một loại sáo của cộng đồng dân tộc Thái. Trong cuộc đời của mình, ông đã giành hơn 50 năm để nghiên cứu, chế tạo các nhạc cụ truyền thống và trở thành một nghệ nhân sáng tác nhạc cụ của đồng bào dân tộc Thái. Chiếc pí có vẻ đơn giản nhưng để chế tạo được nó đòi hỏi người nghệ nhân phải hết sức công phu và tỉ mỉ, đặc biệt là phải có tình yêu, sự đam mê với âm nhạc của dân tộc mình.

Ông Hom tâm sự: “Pí thường gắn bó với mọi hoạt động đời sống của người Thái nên trước đây, hầu hết các chàng trai người Thái đều biết thổi pí từ khi còn nhỏ. Thế nhưng, giờ đây, những người biết thổi pí có thể vẫn còn nhiều nhưng người biết làm chúng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy nên, để góp phần vào việc lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, bên cạnh niềm đam mê, mình phải truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, những người thực sự yêu thích và muốn lưu giữ các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Chỉ có như vậy mới giúp cho tiếng pí ngày càng vang xa...”.

Cũng có tình yêu sâu sắc với nhạc cụ dân tộc truyền thống giống như ông Hom, những lúc nông nhàn, ông Lường Văn Biên, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) lại mang những nguyên vật liệu làm đàn nhị để chế tác thành nhiều sản phẩm. Trong cuộc đời ông Biên, cây đàn nhị đã trở thành vật bất ly thân trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong các mùa lễ, hội. Tuy nhiên giờ đây, giới trẻ hầu như không còn quá quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống như tiếng nói, nhạc cụ dân tộc, điều đó khiến ông Biên khá trăn trở và nghĩ cách để duy trì, lưu giữ nét văn hóa của người Thái thông qua tiếng đàn nhị. Từ mong muốn ấy, ông đã truyền dạy lại cho con cháu mình trước tiên, sau đó ai có đam mê ông sẵn sàng chỉ dạy để góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

“Những kỹ năng, kinh nghiệm, hiểu biết tích lũy bao nhiêu năm qua, tôi luôn sẵn lòng truyền lại cho con cháu và những người yêu thích nhạc cụ dân tộc. Muốn gắn bó, chế tạo được các nhạc cụ như đàn nhị, pí… đầu tiên, tôi sẽ hướng dẫn cho họ sử dụng thật tốt nhạc cụ, sau khi thẩm thấu được cái hay của nhịp điệu mới thêm yêu cái giá trị văn hóa của dân tộc. Khi đó, mới chế tạo được những nhạc cụ mang lại âm thanh, chất lượng tốt; góp phần quan trọng để gìn giữ và bảo tồn giá trị tốt đẹp của dân tộc”. - ông Lường Văn Biên chia sẻ.

Ngoài ông Hom, ông Biên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 40 nghệ nhân gắn bó với việc chế tạo các nhạc cụ dân tộc. Cùng với đó từ năm 2012, cơ quan chức năng đã tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể 7 loại hình (tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian). Đến nay, đã hoàn thành việc kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa của 18 dân tộc; trong đó, 11 dân tộc có di sản văn hóa, tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy giá trị. Để góp phần giữ gìn các giá trị truyền thống, các nghệ nhân trong toàn tỉnh đã lưu giữ và phát huy vẻ đẹp của âm nhạc dân gian dân tộc thông qua việc chế tạo các nhạc cụ. Mỗi người lại gắn bó với một nhạc cụ dân tộc khác nhau, song hầu hết các nghệ nhân đều tâm huyết với văn hóa dân tộc và luôn sẵn sàng truyền dạy chế tạo nhạc cụ dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Sự tâm huyết, tham gia tích cực của chính những người con dân tộc Thái, Mông… và những người yêu văn hoá dân tộc đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ nét đẹp của các loại nhạc cụ truyền thống đến với công chúng và hơn thế là đã góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn truyền nối các giá trị truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top