Những người níu giữ hồn văn hóa

07:41 - Thứ Năm, 23/02/2023 Lượt xem: 5097 In bài viết

ĐBP - TX. Mường Lay - phố thị nơi cuối trời Tây Bắc, đẹp, bình yên, cuốn hút say đắm lòng người. Nơi đây, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái vẫn còn giữ được những nét truyền thống của cha ông như: Hát then, làm đàn tính. Góp phần quan trọng giữ gìn giá trị văn hóa quý báu này là những nghệ nhân ngày đêm miệt mài truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân ưu tú Vàng Văn Thức truyền dạy kỹ thuật hát then và sử dụng tính tẩu cho cháu gái.

Giữ hồn dân tộc

Về bản Na Nát, phường Na Lay, TX. Mường Lay, không quá khó để tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Vàng Văn Thức. Ông là người có trên 30 năm thực hành, truyền dạy loại hình nghệ thuật hát then của dân tộc Thái. Người dân trong vùng gọi ông là “cây đại thụ”, “người gìn giữ linh hồn dân tộc Thái ở Mường Lay”.

Ông Thức chia sẻ, ông sinh ra trong gia đình có truyền thống về hát then. Thưở nhỏ thường xuyên được nghe mẹ hát nên bản thân đã yêu then từ khi nào không biết. Năm 12 tuổi được mẹ truyền dạy cho những kỹ thuật hát then cơ bản, ông thường xuyên luyện tập và theo mẹ tham gia các lễ then. Năm 1992, ông Thức bắt đầu thực hành then thông qua việc tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Dần dần, ông được người dân trong vùng tin tưởng mời hát then mỗi khi gia đình có việc làm lễ. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều cuộc thi, hội thi. Lần đầu tiên năm 2007, ông tham gia Liên hoan Nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ II tổ chức tại tỉnh Cao Bằng và đoạt giải A. Sau này, ông tham gia nhiều hội diễn, hội thi, giao lưu văn nghệ tại các tỉnh trong cả nước (Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Lạng Sơn...) và đều đoạt giải. Với những cống hiến đó, năm 2015, ông Vàng Văn Thức được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tín ngưỡng dân gian.

Hát then là một nghi lễ trong đời sống tâm linh của dân tộc Thái, phản ánh quan niệm về thế giới, con người trong đó có các vị thần linh, một thế giới siêu nhiên tồn tại song song với thực tại. “Lễ then diễn tả quá trình thầy then điều khiển âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ then. Tùy từng mục đích để tiến hành lễ then, như: Lễ then kin pang; then cầu mùa màng và then tạ ơn tổ tiên... Khi thực hiện lễ then, thầy then mặc trang phục lễ, dùng giọng hát của mình kết hợp với gảy đàn tính, lắc chuông, múa kiếm” - ông Thức chia sẻ.

Nói đến nghệ thuật hát then của dân tộc Thái, không thể không nhắc tới đàn tính, loại nhạc cụ truyền thống được các thầy then sử dụng chính trong các buổi hát then. Hiện trên địa bàn TX. Mường Lay có một nghệ nhân đã có trên 40 năm gắn bó, chế tác, sử dụng tính tẩu, ông là Nghệ nhân ưu tú Giàng Văn Dom. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm đàn tính, đã kích thích niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc trong ông Giàng Van Dom từ khi còn là một cậu bé. Với tình yêu nhạc cụ dân tộc, sự đam mê, tâm huyết, nghiên cứu học hỏi của bản thân, năm 1978 ông Dom đã chế tác thành thạo đàn tính đạt chuẩn về hình thức và âm thanh. Từ đó đến nay, ông đã làm nhiều đàn tính phục vụ các đội văn nghệ, người dân địa phương và khách du lịch.

Ông Giàng Văn Dom cho biết: Để chế tác đàn tính, trước tiên phải lựa chọn gỗ để làm cần tính. Gỗ làm cần tính được làm bằng thân cây đại, nguyên liệu quan trọng thứ hai là quả bầu. Bầu để làm đàn tính phải là loại bầu tròn, có độ tròn đều, nhẵn mịn, mặt dưới của quả bầu phải thật bằng để khi đánh âm điệu đàn mới kêu. Mặt bầu đàn được làm từ gỗ của thân cây sọ, phải bào và nạo gỗ cho thật mỏng, mịn đến khi đạt độ dày khoảng hơn 1mm là được. Miệng đàn được bịt kín bằng sáp ong. Dây đàn được làm bằng dây cước và buộc từ đầu cần tính đến cuối bầu đàn. Một cây đàn tính hoàn chỉnh khi đảm bảo về hình thức và âm thanh; đặc biệt âm thanh của đàn phải thật kêu, vang mới được coi là đạt tiêu chuẩn...

Nỗ lực bảo tồn

Hiện những nghệ nhân “một lòng một dạ” với then ngày càng ít. Trong khi đó, giới trẻ lại không mấy mặn mà với văn hóa dân tộc. Thấu hiểu điều đó, từ nhiều năm nay, nghệ nhân Vàng Văn Thức đã cố gắng truyền dạy những bài hát then, kỹ thuật, các nghi thức làm lễ then cho con cháu, người trong bản và tất cả mọi người có nhu cầu học; để mong giữ lại những nét văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc mình mãi mãi.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng Nghệ nhân ưu tú Giàng Văn Dom, vẫn âm thầm cặm cụi làm tính tẩu.

Với vai trò là thành viên của Đội văn nghệ quần chúng bản Na Nát và Câu lạc bộ văn nghệ người cao tuổi phường Na Lay, ông Thức thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhiệm vụ văn hóa, chính trị tại địa phương. Ngoài ra, ông còn truyền dạy trực tiếp cho 6 học viên đến từ các huyện Mường Chà, Tuần Giáo và một số tỉnh khác như Sơn La, Quảng Ninh. Các học trò được truyền dạy hiện đang thực hành hát then tại địa phương nơi họ sinh sống.

Với nghệ nhân ưu tú Giàng Văn Dom, ông đang “chạy đua với thời gian” để truyền dạy các kỹ thuật sử dụng, chế tác tính tẩu cho con cháu trong dòng họ, dân bản và nhiều người yêu đàn tính ở địa phương khác. Hiện các học trò của ông cũng đang thực hành và biết chế tác tính tẩu.

Tiêu biểu trong số đó có Tòng Văn Đôi (người cùng bản) một trong những học trò xuất sắc về chế tác và sử dụng đàn tính, chia sẻ: “Cũng như nhiều loại nhạc cụ khác của dân tộc Thái, người chế tác phải là người biết sử dụng thành thạo loại nhạc cụ đó, và có một trình độ thẩm âm nhất định. Với tôi khó nhất trong quá trình học chế tác đàn tính là cách học đánh đàn tính. Trước khi đánh đàn, người nghệ nhân phải lên dây đàn. Dây đàn được lên với âm thanh cao hay thấp phụ thuộc vào từng bài hát, điệu múa. Đối với những bài hát, điệu múa có thanh cao thì dây đàn phải được kéo lên căng cho âm thanh cao; ngược lại bài hát có âm thanh trầm, thấp thì dây đàn phải trùng xuống”.

Loại hình nghệ thuật truyền thống vốn được sinh ra từ dân gian, tồn tại trong dân gian và từ dân gian mà phát triển. Nghệ thuật hát then của dân tộc Thái ở Mường Lay cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc thì không thể chỉ trông vào sự nỗ lực của cá nhân các nghệ nhân, mà còn cần cả sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền.

Việc xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả những câu lạc bộ hát then tại địa phương là cách bảo tồn hiệu quả nhất. Cũng là con đường ngắn nhất để then gần gũi, gắn bó, thấm sâu vào tâm hồn các thế hệ tương lai.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top