“Ẩn họa” từ những ngôi nhà dưới chân ta luy dương

15:49 - Thứ Ba, 23/08/2016 Lượt xem: 4186 In bài viết
ĐBP - Đi dọc các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, một điều không khó nhận thấy là những ngôi nhà được xây dựng dưới chân đồi hoặc ta luy dương có độ dốc cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở. Điều đáng nói là hiện nay đang vào thời gian cao điểm của mùa mưa, với liên tiếp các dự báo về nguy cơ sạt lở đất xảy ra trên các tuyến đường này, thì tình trạng người dân bạt đất đồi, ta luy dương để tạo mặt bằng làm nhà lại diễn ra nhiều hơn, bất chấp những “ẩn họa” khôn lường được cảnh báo.

Dễ thấy nhất là dọc 2 tuyến Quốc lộ 12 và 279. Theo ghi nhận, hiện nay trên các tuyến đường này có đến hàng chục điểm đang trong quá trình bạt đất, san nền làm nhà ở ngay sát các chân đồi, hoặc ta luy dương. Quan sát sơ bộ, đất tại các khu vực này tính bền vững không cao, do lượng mưa lớn, kéo dài trong nhiều ngày qua khiến kết cấu bị phá vỡ, cộng thêm với việc đào xới, san gạt càng làm tăng nguy cơ xảy ra sạt trượt. Qua trao đổi được biết, một bộ phận người dân dựng nhà tại các khu vực này là do thiếu mặt bằng, không có kinh phí để xây dựng tại các vị trí an toàn hơn; tuy nhiên, cũng có trường hợp cố tình “bám đường” để kinh doanh buôn bán cho thuận tiện. Thậm chí, có hộ dám bỏ ra vài trăm triệu đồng để mua các diện tích đất đồi ven đường, cùng với chi phí san gạt, tạo mặt bằng lên tới cả trăm triệu đồng. Lý do để họ tập trung làm vào mùa mưa được đưa ra là chỉ trong thời gian này mới tranh thủ thuê được máy xúc của các công trình, bởi với khối lượng đất đá lớn như vậy không thể thực hiện bằng phương pháp thủ công.

 

 Điểm san gạt đất phía taluy dương để làm nhà ngay trên đèo Nà Lơi.
Điều đáng nói, hầu hết các ngôi nhà xây dựng tại những khu vực này đều không có biện pháp đảm bảo an toàn và chống sạt trượt. Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Phúc, Trưởng phòng Kỹ thuật và Quản lý giao thông (Sở Giao thông Vận tải) thì việc xây dựng các công trình nhà ở dưới chân ta luy phải đảm bảo một số quy định cần thiết, như: Khoảng cách tối thiểu là 10 mét, phải xây dựng hệ thống kè chắn, mối giằng và các biện pháp gia cố, phòng chống sạt lở đất... Tuy nhiên, với rất nhiều lý do, mà phần lớn là vì không có kinh phí, mà các hộ dân bất chấp nguy hiểm không thực hiện.

Ông Phúc cũng cho biết thêm: “Sở Giao thông - Vận tải tuyệt đối ngăn cấm các hành vi xây dựng công trình nhà ở, kinh doanh vi phạm đến hành lang an toàn giao thông, trong đó có các khu vực ta luy dương. Nếu các địa phương cấp đất cho người dân xây dựng tại các khu vực này thì phải hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với cơ quan chuyên môn”. Mặc dù vậy, trên thực tế việc cấp phép và quản lý xây dựng ở một số địa phương hiện vẫn còn lỏng lẻo. Tại nhiều nơi, nhất là ở các xã, bản người dân thường làm nhà mà không cần thủ tục cấp phép xây dựng. Chính vì thế, những ngôi nhà cứ tự ý “mọc” lên mà không lường trước được hậu họa, cũng như không được hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh sạt lở đất; cho đến khi chính quyền biết, thì nhà đã làm xong.

Theo số liệu thống kê từ Sở Giao thông - Vận tải, hiện đơn vị đang được ủy thác quản lý 6 tuyến quốc lộ dài 620,9km và 4 tuyến tỉnh lộ, dài 50,6km. Mùa mưa lũ năm nay, đơn vị dự báo mức độ thiệt hại do các nguy cơ sụt sạt ách tắc giao thông và phá hoại kết cấu công trình giao thông là rất cao. Trong đó, nhiều vị trí xung yếu nằm tập trung trên 6 tuyến quốc lộ và 2 tuyến tỉnh lộ (ĐT.140 Huổi Loóng – Tủa Chùa, ĐT.142 Mường Lay – Nậm Nhùn). Các phương án phòng chống sạt lở cũng được đơn vị chủ động lên kế hoạch từ trước đó, tuy nhiên không có giải pháp nào cho thực trạng trên. Trong khi đó, trách nhiệm và giải pháp quan trọng thuộc về ý thức của mỗi người dân thì dường như lại đang bị xem nhẹ do thiếu hiểu biết, hoặc biết mà vẫn bất chấp làm ngơ.

Do là địa bàn miền núi nên hàng năm vào mùa mưa lũ các địa phương trong tỉnh đều xảy ra tình trạng sạt lở đất, nhất là trên các tuyến giao thông. Ảnh hưởng của nó không chỉ đối với các công trình giao thông mà thực tế cho thấy còn gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, tính mạng cho những ngôi nhà xây dựng dưới chân ta luy. Rõ ràng, sạt lở đất là hết sức khó lường, trong khi sức ảnh hưởng và mức độ thiệt hại của nó thì chúng ta vẫn có thể phòng tránh. Do đó, cùng với các biện pháp chủ động theo dõi mọi diễn biến tình hình thời tiết để lên phương án phòng chống, thì ngay trong công tác xây dựng, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhắc nhở cho người dân hiểu về những nguy cơ có thể xảy ra khi san đồi làm nhà hoặc làm nhà dưới chân ta luy cao, nhằm tạo những chuyển biến về ý thức phòng tránh sạt lở đất, từ đó hạn chế những ẩn họa có thể xảy ra.

Về lâu dài, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tích cực phối hợp trong việc quản lý cấp phép xây dựng; đồng thời tiến hành điều tra đánh giá địa chất để có những khuyến cáo cụ thể cho các khu vực dân cư. Và hơn lúc nào hết, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng thì người dân cũng cần thấy rõ trách nhiệm của mình, để tự giác thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn về kỹ thuật chống sạt lở khi xây dựng nhà dưới chân đồi, ta luy dương, như: tính toán hệ số mái ta luy dương, tạo độ dốc, bề rộng cơ mái… phù hợp với địa chất, địa hình nơi xây dựng, giảm tải áp lực gây sạt trượt. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn, cần ngăn chặn các hoạt động san gạt chân đồi, ta luy dương vào mùa mưa, để tránh những “ẩn họa” không mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top