Vì một xã hội ấm no, phát triển

09:23 - Thứ Ba, 06/02/2018 Lượt xem: 8685 In bài viết
ĐBP - Hàng nghìn lao động tham gia đào tạo nghề, có công việc mới phù hợp; người nghèo được vay vốn, cứu trợ kịp thời, tiếp sức vươn lên trong cuộc sống; các hoàn cảnh đặc biệt thường xuyên nhận sự sẻ chia, động viên, hỗ trợ hàng tháng… Mọi đối tượng tầng lớp nhân dân đều được quan tâm, chăm lo; đời sống tinh thần và vật chất vì thế ngày càng nâng lên. Ðó là những kết quả của công tác an sinh xã hội (ASXH) đã và đang được triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh ta trong năm qua.

 

Các cựu chiến binh chơi cờ trong đợt điều dưỡng tại Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Ðiều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh.

Một trong những vấn đề mà chính sách ASXH tập trung vào là tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế. Năm 2017, ngoài duy trì việc làm thường xuyên cho 312.580 lao động, toàn tỉnh có hơn 9.000 lao động có việc làm mới, đạt 105,2% kế hoạch năm. Trong đó, thông qua vay vốn hỗ trợ việc làm cho 900 người, xuất khẩu lao động 30 người, tuyển dụng đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh 500 người, tuyển dụng vào cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp trong tỉnh và tự tạo việc làm là hơn 7.600 người. Tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm còn 2,94%. Ðể đạt được kết quả đó, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, như: Ngày hội việc làm, kết nối phiên việc làm online, hội nghị, tư vấn, tuyên truyền về chính sách xuất khẩu lao động và việc làm trong nước tới tận các thôn, bản vùng cao, cho nhiều đối tượng lao động, học sinh, sinh viên... Trong năm cũng đã cấp phép cho 3 công ty tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cho nhiều người dân. Cùng với đó, toàn tỉnh có gần 7.900 người được đào tạo nghề tại tỉnh trong năm 2017 với nhiều cấp trình độ: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng và ngành nghề đa dạng (công nghệ ô tô, điện, kỹ thuật xây dựng, lâm sinh, kỹ thuật chăn nuôi, trồng nấm, trồng lúa năng suất cao...). Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà ngày càng được nâng cao, người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa có kiến thức cơ bản áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn.

Vấn đề chính sách đối với người có công, hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước cũng là một trong những nội dung quan trọng của công tác ASXH. Ðạo lý “uống nước nhớ nguồn” cùng phong trào “đền ơn đáp nghĩa” luôn được dân tộc ta nêu cao, đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã chủ động thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho 16.418 người có công trên địa bàn; tổ chức điều dưỡng tại gia đình cho 298 người, điều dưỡng tập trung 3 đợt cho 107 người có công với cách mạng và thân nhân; xây mới 10 nhà, sửa chữa 11 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách. Công tác thẩm định hồ sơ đối với người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện đúng quy định: chi trả trợ cấp 1 lần cho 16 người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào; trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp kinh phí trợ cấp 1 lần cho 61 thanh niên xung phong… 130/130 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Cựu chiến binh Lù Văn Pâu, hiện sinh sống tại bản Bắc, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay), cho biết: Ngoài việc thường xuyên được quan tâm, hưởng chế độ hàng tháng thì vào những dịp lễ, tết, ngày truyền thống, tôi còn được chính quyền, các đoàn thể địa phương tới thăm hỏi, động viên, tặng quà và giúp đỡ một số công việc gia đình. Ðịnh kỳ cũng được đưa đón xuống chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Ðiều dưỡng người có công với cách mạng, gặp lại bạn chiến đấu cũ và các cựu chiến binh khác, giúp tinh thần tôi phấn chấn và cơ thể khỏe khoắn hơn.

Các đối tượng bảo trợ khác cũng luôn hưởng đầy đủ và kịp thời chế độ, chính sách. Năm 2017, toàn tỉnh có 235 người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 14.880 người đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, tăng 474 người so với năm 2016, trong đó 7.500 người cao tuổi, 4.580 người khuyết tật, 1.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 1.300 người thuộc các đối tượng khác. Chị Tòng Thị Lượng, bản Giảng, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) một mình nuôi 2 con nhỏ (cháu lớn 6 tuổi, cháu nhỏ lên 4). Chồng chị mất từ khi chị mang thai người con út, gia đình bố mẹ 2 bên đều nghèo khó nên mọi gánh nặng dồn lên vai chị. Có hoàn cảnh đặc biệt, chị Lượng hiện đang được hưởng trợ cấp của Nhà nước hỗ trợ mẹ đơn thân nuôi con với mức hơn 500 nghìn đồng/tháng. Chị Lượng chia sẻ: “Với gia cảnh của mẹ con tôi, số tiền này thực sự rất ý nghĩa và cần thiết, giúp tôi có thêm chi phí trong sinh hoạt”.

Ngoài những hỗ trợ, trợ cấp theo quy định của Nhà nước đã và đang được triển khai thường xuyên, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh còn chủ động tổ chức và kết nối thực hiện nhiều hoạt động tri ân, nhân ái, chương trình thiện nguyện thiết thực đến những người có công với đất nước, các tấm gương nghị lực, những hoàn cảnh khó khăn ở khắp các huyện, thị, thành phố, các bản làng vùng sâu vùng xa. Ðó không chỉ là những món quà vật chất mà còn có giá trị tinh thần lớn lao, động viên, khích lệ, tiếp sức cho người dân, học sinh, sinh viên các địa bàn vươn lên trong cuộc sống, chung tay xây dựng xã hội ngày càng ấm no, phát triển.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top