Lợi ích hòa giải ở cơ sở

09:13 - Thứ Sáu, 14/06/2019 Lượt xem: 10868 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, huyện Mường Chà đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải tại cơ sở. Qua đó, góp phần phòng ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

 

Một buổi hòa giải tại xã Na Sang.

Với kinh nghiệm tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc, ông Lò Văn Khuyn, Tổ trưởng Tổ hòa giải bản Pa Ham 1, xã Pa Ham chia sẻ: Hòa giải ở cơ sở là việc không dễ, hòa giải viên phải có kiến thức, hiểu biết về pháp luật, nắm rõ những điều luật cơ bản để có thể phân tích, giải thích rõ ràng, hợp lý với người dân và có khả năng thuyết phục người dân hiểu sự việc. Sau nhiều năm làm công tác hòa giải, tôi cho rằng: Trước khi muốn hòa giải một vụ việc, phải tìm hiểu ngọn ngành đầu đuôi sự việc, rồi mới có thể phân tích ai đúng ai sai, đưa ra định hướng cho người dân giải quyết, khi hòa giải phải đặt mình vào vị trí của người dân.

Pa Ham là xã thực hiện tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở. Hiện nay xã có 9 tổ hòa giải với 45 hòa giải viên. Ông Khoàng Văn Ðoàn, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Pa Ham cho biết: Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như hàng ngày phát thanh 30 phút trên bản tin xã về những vấn đề liên quan tới hòa giải cơ sở, lồng ghép vào các hội nghị, họp dân, họp chi bộ. Hiện nay người dân ngày càng có nhu cầu tư vấn trực tiếp nên các hòa giải viên luôn phải trau dồi kiến thức pháp luật. 5 năm qua, các tổ hòa giải trên địa bàn xã đã thụ lý 55 vụ việc, giải quyết thành công 44 vụ việc.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Mường Chà có 124 tổ hòa giải với 590 thành viên; trung bình mỗi tổ có từ 5 - 7 hòa giải viên là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, hiểu biết về pháp luật và có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân. Ðể nâng cao chất lượng công tác hòa giải, giai đoạn 2013 - 2018, cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn lồng ghép tuyên truyền phổ biến nội dung Luật Hòa giải cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành tại 2.106 cuộc họp của các cơ quan, đơn vị, các địa bàn dân cư với tổng số trên 157.000 lượt người tham dự. Một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả là tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi” hàng năm. Hội thi góp phần học tập, phổ biến kiến thức pháp luật về dân sự, hình sự, đất đai… Nhiều tiểu phẩm dự thi có nội dung sâu sắc, gắn với các vụ việc mâu thuẫn, xích mích phát sinh trong đời sống của hộ gia đình, cộng đồng dân cư thu hút sự quan tâm, theo dõi của người dân.

Song song với công tác tuyên truyền, huyện Mường Chà cũng quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải và hòa giải viên. Hòa giải viên thường xuyên được tham dự các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng các nội dung cơ bản về: quyền và nghĩa vụ của công dân; Luật Ðất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Hộ tịch; Luật Xử lý vi phạm hành chính; vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phương pháp hòa giải các vụ việc bằng cách đưa các tình huống để các hòa giải viên trao đổi, giải quyết; cách ghi biên bản, giải đáp các thắc mắc trong công tác hòa giải…

Bà Hoàng Thị Biên, Trưởng phòng Tư pháp huyện Mường Chà cho biết: UBND huyện chỉ đạo phòng thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn về tổ chức; bố trí những người có kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, nhiệt tình làm hòa giải viên. Tăng cường sự phối hợp giữa Phòng Tư pháp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hội viên, thành viên là tổ viên tổ hòa giải cơ sở. Thời gian tới, tỉnh cần sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 428/QÐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” để nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top