Người tốt - việc tốt

Ðảng viên Nguyễn Quý Lạc tâm huyết với công tác Hội

09:04 - Thứ Tư, 04/12/2019 Lượt xem: 9908 In bài viết

ĐBP - Sinh ra ở quê lúa Hà Nam, những năm 70 của thế kỷ XX, theo tiếng gọi của Ðảng, như bao bạn bè cùng trang lứa, nữ sinh Nguyễn Quý Lạc xung phong lên Tây Bắc “gieo” mầm xanh trong đồng bào các dân tộc. Yêu nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu, gắn bó với đất và người Ðiện Biên, cô giáo Nguyễn Quý Lạc trở thành “Cánh chim đầu đàn” của Trường Tiểu học học số 1 thị trấn Tuần Giáo - Ðơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2009 sau khi nghỉ hưu, chị đảm trách cương vị Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh (CGC) tỉnh.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quý Lạc (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ GD - ÐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Ðỗ Quang Khải

Tâm huyết với công việc, chị luôn trăn trở: “Với một tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn, công tác CGC bắt đầu từ đâu? Làm gì và làm như thế nào để xây dựng, phát triển tổ chức Hội; để Hội sát cánh cùng ngành Giáo dục - Ðào tạo xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng các dân tộc?”.

Chị cùng Ban Chấp hành Hội, tâm huyết xây dựng tổ chức Hội từ tỉnh đến cấp huyện và cơ sở xã, phường, thị trấn; chủ động tham mưu, đề xuất để cấp ủy, chính quyền các cấp làm chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về vị trí, vai trò của Hội trong nhân dân. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác CGC, hướng tới mục tiêu xây dựng “xã hội học tập” và “học tập suốt đời”. Quá trình xây dựng tổ chức Hội được tiến hành đồng bộ với cách làm linh hoạt, phù hợp. Trước hết, Hội chọn điểm chỉ đạo chung để rút kinh nghiệm; sau đó tiếp tục phát triển tổ chức hội và hội viên. Với phương châm “Ở đâu có tổ chức chính trị - xã hội, ở đâu có các nhà giáo nghỉ hưu thì ở đó có tổ chức và hoạt động của Hội CGC. Ðến nay Hội CGC tỉnh phát triển với gần 2.000 hội viên ở 8 đơn vị trực thuộc. Trên cương vị của mình, chị đề xuất cấp có thẩm quyền, cơ sở giáo dục - đào tạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về công tác giáo dục - đào tạo. Xây dựng chương trình hành động, ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan hữu quan. Trong công tác xây dựng quỹ hội, thông qua hoạt động kết nối, kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, các mạnh thường quân giúp đỡ nguồn lực, đồ dùng sinh hoạt, học tập, các phương tiện nghe, nhìn trao, tặng các trường trong tỉnh.

Vượt lên hạn chế về  sức khỏe, chị Lạc thường xuyên về với các huyện, xã, bản vùng cao, biên giới nắm thực trạng tổ chức hoạt động Hội. Thăm hỏi, động viên, trao quà cho giáo viên, học sinh. Từ việc sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến hội viên đã giúp chị phát hiện để nhân điển hình tiên tiến. Ðồng thời bổ sung, điều chỉnh biện pháp trong tham mưu, chỉ đạo, đưa công tác Hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và bền vững.

“Làm những gì tốt nhất, để tiếp tục đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho xã hội” - Ðó là sự chia sẻ chân thành, khiêm nhường, tâm huyết của chị trong công tác Hội. Ghi nhận quá trình cống hiến và trưởng thành, chị Nguyễn Quý Lạc vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng; Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ðỗ Quang Khải
Bình luận
Back To Top