Mường Chà quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:20 - Thứ Sáu, 24/09/2021 Lượt xem: 3793 In bài viết

ĐBP - Xác định đẩy mạnh sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, công tác truyền thông, hướng dẫn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà quan tâm thực hiện và đạt những kết quả đáng khích lệ.

Nông dân Mường Chà áp dụng kiến thức đã học qua lớp đào tạo nghề nông thôn vào sản xuất. Trong ảnh: Anh Lò Văn Vấn, bản Mường Mươn 2, xã Mường Mươn chăm sóc vườn bưởi.

Hàng năm, huyện Mường Chà đều triển khai khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn. Việc điều tra được thực hiện từ các bản, tổ dân phố, tới từng hộ gia đình. Số lượng người lao động đăng ký tham gia học nghề tương đối đông, tập trung chủ yếu vào những nghề: kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho lợn, gà, gia cầm, kỹ thuật trồng nấm, sửa chữa xe máy... Qua điều tra khảo sát đã nắm được nhu cầu học nghề của người lao động; nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu và thực tiễn địa phương.

Huyện chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn với nhiều hình thức: Tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, bản; đăng tin bài trên phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, phát tờ rơi... nhằm nâng cao nhận thức của lao động nông thôn về học nghề và tạo việc làm. Các tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên...) thường xuyên lồng ghép để tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề, các tấm gương tiêu biểu về học nghề, tạo việc làm có hiệu quả cho các hội viên, đoàn viên. Qua tuyên truyền nhận thức của người dân về học nghề ngày một tích cực hơn, hiểu được lợi ích của việc học nghề.

Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao. Giai đoạn 2010 - 2020, toàn huyện có 3.450 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, trong đó 2.456 người có việc làm sau học nghề, đạt trên 70% (216 người được doanh nghiệp tuyển dụng, chiếm 8,79% số người có việc làm sau học nghề; 2.240 người tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên, chiếm 91,21% số người có việc làm sau học nghề). Bình quân mỗi năm có 345 người học xong tự tạo việc làm, chủ yếu phát triển kinh tế tại hộ gia đình. Góp phần nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo trên địa bàn huyện lên 43% (năm 2020).

Anh Lò Văn Vấn, bản Mường Mươn 2, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) chia sẻ: Đầu năm 2018 tôi tham gia lớp học nghề trồng trọt, chăn nuôi. Từ kiến thức được học tôi đã ứng dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Cuối năm 2018, ngoài vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng, tôi vay mượn thêm anh em 20 triệu đồng xây dựng gần 100m2 chuồng trại chăn nuôi 2 con lợn sinh sản và trên 20 con lợn thương phẩm, kết hợp trồng trên 50 gốc bưởi da xanh, để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất gia đình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đàn vật nuôi ít bị dịch bệnh; cây bưởi phát triển, dự kiến năm nay gia đình tôi thu hoạch trên 1.000 quả bưởi. Hàng năm trừ chi phí thu về gần 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Chà cho biết: Thực tế cho thấy, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Mường Chà hiện nay chủ yếu là các lớp nông nghiệp, các lớp phi nông nghiệp rất ít người đăng ký học. Bởi với những ngành nghề kỹ thuật như sửa chữa xe máy… lớp học bị hạn chế về máy móc, trang thiết bị, học viên không có điều kiện thực hành nên tay nghề yếu. Thời gian học ngắn, dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo, các doanh nghiệp không tuyển dụng, học viên không tìm được việc làm sau đào tạo. Các lớp học nghề liên quan tới nông nghiệp khả quan hơn vì những kiến thức học được ít nhiều được bà con nông dân áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt tại gia đình. Phần lớn học viên đã có sẵn tư liệu sản xuất, khi tham gia các khóa học như kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y... họ đã vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tế.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top