Những người không đầu hàng số phận

07:48 - Thứ Năm, 03/02/2022 Lượt xem: 5035 In bài viết

ĐBP - Có dịp trở lại khu điều trị, phục hồi chức năng bệnh nhân phong K10, xã Rạng Đông (huyện Tuần Giáo), hình ảnh về ngôi làng biệt lập với thế giới bên ngoài, sự xa lánh, miệt thị của người đời và cuộc sống lay lắt đói nghèo của bệnh nhân phong nay đã là quá khứ. Làng phong giờ đây đã khoác lên mình diện mạo của sự no ấm, đủ đầy, chất chứa yêu thương và niềm tin vào cuộc sống...

Giờ đây cuộc sống của gia đình ông Lò Văn Muôn đã ổn định. Ông phát triển kinh tế bằng chăn nuôi đại gia súc.

Cuộc sống mới trên vùng đất khó

Trở lại Khu điều trị bệnh nhân phong K10 trong một ngày đông. Con đường vào làng đã được bê tông hóa kiên cố. Vẫn còn đó những con người với di chứng từ căn bệnh phong quái ác (những bàn tay cụt ngón, đôi chân nửa gỗ, nửa thịt da), nhưng chào đón chúng tôi không phải khuôn mặt khắc khổ, sợ sệt mà là những nụ cười tươi, ấm áp, những cái bắt tay thật chặt.

Trong ngôi nhà sàn khang trang, ông Lò Văn Hóa (bệnh nhân phong) chậm rãi kể: Những năm 80 của thế kỷ trước, khi được vào làng phong, chúng tôi mới thật sự tìm được mái ấm, sự đồng cảm để nương tựa, sẻ chia chống chọi lại bệnh tật; bao nhiêu người bệnh là bấy nhiêu hoàn cảnh khác nhau. Trước đấy, chúng tôi không chỉ chịu chung nỗi đau thể xác của căn bệnh quái ác mà còn luôn bị người đời phân biệt, xa lánh. Hầu hết bệnh nhân phong trong làng đều là nông dân nghèo, thất học và ngại giao tiếp. Họ sống trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật dày vò.

Qua rồi những tháng ngày đau khổ, những cơn đau hành hạ. Hiện đa phần bệnh nhân phong cũ trong làng đã khỏi bệnh. Với ý chí cùng khát vọng vươn lên, chiến thắng số phận, làng phong giờ đây đang khoác lên mình tấm áo mới no ấm, đủ đầy hơn. Đặc biệt, từ khi được phân bổ, bố trí đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ cây, con giống và kỹ thuật canh tác, chăn nuôi... đã góp phần tạo thêm sinh kế, giúp bệnh nhân phong tăng thêm thu nhập, không những nuôi sống bản thân mà nhiều hộ còn vươn lên khá giả, làm chủ cuộc sống. Cũng giống như cây lúa, cây ngô xanh tốt... trong làng có 5 cặp đôi cùng là bệnh nhân phong “bén duyên” xây dựng tổ ấm và hơn 10 cặp vợ chồng kết hôn giữa bệnh nhân phong và người khỏe mạnh. Họ sống quần tụ, sum vầy dưới sự bao bọc của cộng đồng, khoảng cách cũng vì thế mà xích lại gần nhau hơn. Và rồi, cứ thế lần lượt từng đứa trẻ ra đời. Khác với trước kia, trẻ em sinh ra không được đi học, chịu nhiều thiệt thòi thì nay nhận được sự quan tâm hỗ trợ với nhiều chương trình, chính sách; nhiều con em của bệnh nhân phong hiện đang theo học ở các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh, trở thành cán bộ, giáo viên... trở về xây dựng quê hương.

“Làng phong giờ không còn biệt lập, cuộc sống hối hả, nhộn nhịp hơn. Nông sản do chính chúng tôi làm ra, được đem bán khắp nơi trong vùng, thậm chí đã vươn xa cả chợ huyện, chợ tỉnh... giờ không ai còn nhận thấy sự khác biệt nào giữa làng phong và những vùng đất khác” - ông Bạc Cầm Ức (bệnh nhân phong) phấn khởi chia sẻ.

Chăm lo phát triển kinh tế

Theo thống kê, hiện Khu điều trị phục hồi chức năng bệnh nhân phong K10 có 22 bệnh nhân (1 bệnh nhân cấp I). Bác sĩ Phạm Duy Hưng, Khoa Điều trị phục hồi chức năng bệnh nhân phong K10 chia sẻ: Tỉnh Điện Biên đã chính thức thanh toán bệnh phong từ năm 2004. Dù vậy, những năm qua với sự quan tâm thiết thực của tỉnh, hàng tháng mỗi bệnh nhân phong được hưởng mức trợ cấp bằng mức lương tối thiểu (1.490.000 đồng/tháng). Tuy nhiên, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhiều bệnh nhân đã nỗ lực chăm lo phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng mô hình VAC...

Ngược con dốc nhỏ, chúng tôi tới thăm gia đình bà Lý Tả Mẩy (dân tộc Dao), vào Khu điều trị bệnh nhân phong K10 từ năm 1989. Sau nhiều năm điều trị khỏi bệnh, năm 1993 bà xây dựng gia đình với ông Phàn A Thin (cũng là bệnh nhân phong). Vượt qua những chuỗi ngày dài cơ cực, cuộc sống khốn khó, lo cơm áo gạo tiền, sau gần 3 thập kỷ nỗ lực, vợ chồng bà Mẩy đã có trong tay ngôi nhà xây khang trang, rộng lớn; mô hình VAC phát triển với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Thế hệ trẻ ở làng phong chắc hẳn sẽ tự hào về cha ông họ - những người đã không chịu khuất phục số phận, bệnh tật, xây dựng vùng đất khó trở nên giàu sức sống như ngày hôm nay. Anh Lường Văn Năm (con bệnh nhân Lò Văn Muôn) chia sẻ: “Sinh ra lành lặn, khỏe mạnh, thế hệ con cháu bệnh nhân phong không ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực hết mình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. Tích lũy từ kinh nghiệm học tập, tiếp cận thông tin, tích cực lao động sản xuất, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi trâu, bò, trồng ngô; bán hàng tạp hóa, máy xay xát các loại... mỗi năm mang lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng, so với trước kia thì nay cuộc sống tốt hơn rất nhiều.

Ông Lò Văn Muôn (bệnh nhân phong), Ban Quản lý Khu điều trị bệnh nhân phong K10 chia sẻ: Ơn Đảng, Nhà nước đã làm đường, đưa điện về làng, hỗ trợ cây, con giống để sản xuất... nên cuộc sống của chúng tôi nay khác nhiều rồi. Nhiều nhà chăm chỉ làm ăn đã biết trồng cây ngô, cây lúa theo khoa học cho thu hoạch cao, không những thoát nghèo mà còn mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh... Ngoài ra, con cháu bệnh nhân phong đã tích cực học tập, rèn luyện tìm kiếm việc làm, đi lao động ở các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Điều đó đã góp phần khẳng định thêm ý chí, khát vọng dựng xây, không đầu hàng số phận của mỗi bệnh nhân phong dưới chân núi Nậm Din.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top