Con đường kết nối lòng dân

09:16 - Thứ Bảy, 12/02/2022 Lượt xem: 5302 In bài viết

ĐBP - Đối với gần 60 hộ dân ở cụm dân cư thuộc tổ dân phố 21, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ có lẽ Tết Nhâm Dần 2022 là cái Tết phấn khởi hơn cả. Bởi lẽ, sau hơn 28 năm phải chịu cảnh đi trên con đường “mưa là lụt, không mưa cũng lầy” thì đến cuối năm 2021, người dân cụm dân cư trên đã được đi trên con đường rải cấp phối rộng rãi, khang trang, sạch đẹp, được tu sửa bằng chính sự đóng góp của người dân trong tổ dân phố.

Con đường rải cấp phối rộng rãi, khang trang được tu sửa bằng chính sự đóng góp của người dân trong tổ dân phố 21, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ.

Được biết, đoạn đường dài hơn 300m đi qua gần 60 hộ dân ở cụm dân cư thuộc tổ dân phố 21, phường Him Lam, trước đây đã được đổ bê tông rộng 1,2m. Tuy nhiên, theo thời gian, mặt đường bê tông đã xuống cấp, hư hỏng hoàn toàn. Đến năm 1993, sau khi Dự án Khu liên hợp thể thao được triển khai, do đoạn đường trên có vị trí thấp hơn mặt bằng các công trình của dự án nên mỗi lần mưa là cả đoạn đường lại ngập nước.

Ông Trần Văn Lanh, Tổ trưởng tổ dân phố 21, phường Him Lam cho biết: Nếu mưa nhỏ, nước ngập khoảng 10 – 20cm thì người dân vẫn có thể xắn quần lội nước để đi lại, nhưng hễ mưa to thì nước dâng ngập qua đầu gối, thậm chí đoạn trũng nhất nước ngập đến gần thắt lưng. Nhiều hộ gia đình thường xuyên rơi vào cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” mỗi khi mưa to, bởi người lớn không thể đi làm, còn trẻ nhỏ cũng không đi học được…

Bức xúc trước tình trạng trên, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều lần người dân đã có ý kiến, kiến nghị về việc tu sửa đoạn đường. Song do đoạn đường trên thuộc đất quy hoạch Dự án Khu liên hợp thể thao nên Nhà nước không thể đầu tư nâng cấp hay tu sửa; trong khi đó, dự án đã kéo dài nhiều năm nên cũng ngần ấy thời gian người dân phải tiếp tục chịu cảnh đường đi lầy lội, ngập lụt thường xuyên.

Từ thực tế và tâm tư của gần 60 hộ dân ở cụm dân cư trên, những người đứng đầu các đoàn thể chính trị - xã hội của tổ dân phố 21 và đại diện các hộ dân thuộc cụm dân cư trên đã cùng nhau ngồi lại, họp bàn tìm giải pháp hữu hiệu nhất. Theo đó, phương án được đưa ra là người dân sẽ tự đóng góp kinh phí tu sửa đoạn đường. Ngoài ra, vì đoạn đường thuộc diện tích đất quy hoạch nên các hộ dân đều thống nhất tự nguyện hoàn trả đất khi Nhà nước cần lấy đất để thực hiện dự án.

Nói về công tác vận động nhân dân ủng hộ kinh phí làm đường, theo ông Trần Văn Lanh, trước khi triển khai thực hiện chủ trương này, những người đứng đầu các đoàn thể chính trị - xã hội của phố đã quyết tâm phải quán triệt đầy đủ cho nhân dân hiểu và nắm được chủ trương chung của phố. Cuộc vận động phải được thực hiện một cách minh bạch, rõ ràng. Sau khi có thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình, tổ dân phố đã mời tất cả các hộ gia đình có quyền lợi liên quan họp bàn để lấy ý kiến đóng góp và phân bổ mức kinh phí góp của từng nhà.

Đoạn đường trước khi được tu sửa thường xuyên bị ngập nước mỗi khi trời mưa (video do người dân phố 21 ghi lại).

Nhờ công khai, minh bạch, lại hợp lòng dân nên chỉ sau 1 tháng vận động, chủ trương huy động người dân góp kinh phí làm đường đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ không chỉ của gần 60 hộ dân sinh sống dọc đoạn đường mà còn nhận được sự đóng góp của hơn 125 hộ dân trong tổ dân phố 21, với tổng số tiền vận động được là 70 triệu đồng. Cách làm của tổ dân phố 21 là không "cào bằng" mức đóng góp tất cả các hộ mà vận động hộ khá giả đóng góp thêm để san sẻ cho những hộ khó khăn. Việc làm này cũng được người dân trong khu phố vui vẻ, phấn khởi với tinh thần đoàn kết, sẻ chia theo phương châm “lá lành đùm lá rách". Điển hình như gia đình: bác Đỗ Đức Ngọ, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 21 ủng hộ 10 triệu đồng, anh Phạm Văn Cường 10 triệu đồng, bác Nguyễn Quốc Việt 1 triệu đồng, bác Trần Văn Lanh, bà Nguyễn Thị Ngữ... Theo bác Đỗ Đức Ngọ, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế, người dân trong khu phố đã đoàn kết, chủ động nêu cao tinh thần tự lực, tự cường để làm đường, không trông chờ, ỷ lại, đó là điều rất phấn khởi. Trong khả năng của mình, bác Ngọ đã tiên phong đứng ra ủng hộ và kêu gọi các gia đình trong khu phố cùng đóng góp để tuyến đường nhanh chóng được thi công. 

Ngoài số tiền đóng góp của người dân, tổ dân phố 21 còn vận động, kêu gọi hỗ trợ từ các đơn vị, như: Trung đoàn 82, Công ty Cổ phần đường bộ 226 hỗ trợ thêm về nhân lực và máy móc. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 18 ngày thi công, đoạn đường rải cấp phối dài 320m, rộng 4m đã chính thức được đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan, mong đợi của người dân.  

Được đi trên con đường mới từ hơn 1 tháng nay, bác Lê Văn Đua, một trong những hộ dân sinh sống ngay cạnh con đường vẫn không giấu nổi niềm vui vì con đường đi lại thuận tiện là niềm mong mỏi của gần 60 hộ dân nơi đây suốt 28 năm qua. Giờ đây, khi niềm mong đợi đã trở thành hiện thực, người dân chúng tôi ai cũng vui mừng, phấn khởi. Tết Nhâm Dần năm nay không phải một mình gia đình tôi mà rất nhiều nhà ở đây đã mua thêm hoa, cây cảnh để đặt trước cửa nhà vì đường qua ngõ giờ đã khang trang, sạch đẹp hơn trước rất nhiều.

Đoạn đường dù chỉ rải cấp phối, nhưng với người dân trong tổ dân phố 21, đây là đoạn đường đẹp - đẹp của tình đoàn kết, của sự chia sẻ, của tình làng nghĩa xóm, cùng nhau đóng góp làm đường giao thông. Đoạn đường hoàn thiện không chỉ góp phần minh chứng cho chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” của Đảng đã lan tỏa trong dân, mà hơn hết, đã làm thay đổi rõ nét diện mạo của khu phố, góp phần để đời sống người dân ngày một nâng cao hơn.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top