Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

08:46 - Thứ Hai, 24/08/2020 Lượt xem: 6406 In bài viết

ĐBP - Sốt xuất huyết (SXH) là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị, có thể gặp phải ở cả người lớn và trẻ em. Vào mùa mưa lũ, môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh SXH phát triển, dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch nếu không có biện pháp phòng chống hiệu quả.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo phun thuốc khử trùng tại xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo).

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ta hiện chưa có trường hợp mắc SXH. Nguyên nhân là do thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, người dân đã có ý thức bảo vệ sức khỏe hơn, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang và vệ sinh cá nhân, nhà cửa.  Tuy nhiên, số ca mắc bệnh SXH đang có dấu hiệu tăng tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước; gần đây nhất tại Sơn La, chỉ trong đầu tháng 8 có 11 trường hợp nghi SXH được theo dõi và điều trị. Vì vậy, việc chủ động phòng chống bệnh SXH luôn cần thiết và đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội.

Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Khi mắc bệnh SXH ở thể nhẹ, người bệnh thường biểu hiện sốt cao đột ngột trên 380C, kéo dài trong 2 - 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban, không kèm theo ho, sổ mũi. Ở thể nặng, bao gồm các dấu hiệu trên và kèm dấu hiệu chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen; đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng... Trường hợp nặng, người bệnh bị sốc, hoặc xuất huyết nặng, suy tạng, có thể tử vong. Bệnh SXH không lây trực tiếp từ người sang người.

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tập trung, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống với sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, nhất là tại các khu vực trọng điểm, giám sát đánh giá chủ động tại các địa bàn có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng, vật tư, trang thiết bị, hóa chất phòng chống dịch; bố trí và ổn định nhân lực tham gia hoạt động phòng, chống dịch SXH; giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại địa phương, khoanh vùng, xử lý kịp thời; cung cấp thông tin, tập huấn kỹ năng giám sát, xử lý ổ dịch cho nhân viên y tế và các lực lượng khác tham gia công tác phòng, chống dịch SXH tại địa phương.

SXH là bệnh do siêu vi rút Dengue gây ra, lây lan chủ yếu do loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Do đó, để phòng bệnh SXH, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình như: Đậy kín và thả cá ăn bọ gậy tất cả các vật dụng chứa nước ăn uống sinh hoạt (bể, chum vại, các vật dụng chứa đựng nước); vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thu gom, xử lý các phế thải có khả năng đọng nước. Người bị SXH hoặc nghi bị mắc bệnh phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác.

Bác sĩ Đàm Thanh Tú khuyến cáo: Để không mắc bệnh SXH, người dân nên tuân thủ khuyến cáo của ngành Y tế, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, nhất là diệt lăng quăng, tránh bị muỗi đốt. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh SXH. Vì vậy, khi người mắc hoặc nghi mắc bệnh SXH cần đến ngay các cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị; đặc biệt là không nên tự ý điều trị tại nhà.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top