Phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng

15:43 - Thứ Tư, 25/10/2023 Lượt xem: 3693 In bài viết

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở xác định phạm vi, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ và chế độ, biện pháp quản lý bảo vệ phù hợp đối với từng loại nhóm.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 6 chương với 34 điều.

Đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi Luật trong tổ chức thực hiện

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo ngay trong nội dung giải thích, bảo đảm thống nhất với khái niệm "khu quân sự" và các nội dung của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉnh lý lại khái niệm công trình quốc phòng là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc; công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự.

Bên cạnh đó, để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đề nghị chỉnh lý lại khái niệm này như sau: "Khu quân sự là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng".

Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện. 

Theo đó, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự được quy định tại 2 điều: Điều 5 quy định công trình quốc phòng, khu quân sự được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng; Điều 6 quy định công trình quốc phòng, khu quân sự được phân nhóm theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ như dự thảo Luật trình Quốc hội.

Đối với quy định về công trình lưỡng dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, công trình lưỡng dụng quy định trong dự thảo Luật là công trình kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng quy định tại Điều 15 Luật Quốc phòng; sân bay mang tính lưỡng dụng là một loại của công trình lưỡng dụng và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng được thực hiện theo các quy định tại khoản 6 Điều này; việc quy định 1 điều về công trình lưỡng dụng trong dự thảo Luật là phù hợp, làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị, tính năng của loại hình công trình này.

Trong trường hợp phá dỡ công trình quốc phòng được thực hiện khi công trình quốc phòng đó không phù hợp để sử dụng cho dự án phát triển kinh tế-xã hội, chủ đầu tư dự án không có nhu cầu sử dụng, hoặc công trình quốc phòng buộc phải phá dỡ để bảo đảm bí mật quân sự. 

Thẩm quyền phá dỡ công trình quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định nhưng việc chuyển mục đích sử dụng diện tích đất quốc phòng nơi có công trình quốc phòng bị phá dỡ sang mục đích khác vẫn do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó, UBTVQH đề nghị cho giữ như dự thảo Luật.

Ngoài ra, về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, để đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đề nghị Quốc hội cho quy định khoản 2 thành 2 điểm như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH cũng đã chỉnh lý khoản 9 điều này theo hướng quy định cụ thể về quản lý hoạt động, đi lại, cư trú của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự phù hợp với quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ và tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.

Thống nhất các lực lượng tham gia bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, nguồn lực con người, các chính sách hỗ trợ, quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các quy định của dự án luật.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị thống nhất các lực lượng của các địa phương khi thực hiện phân công tham gia bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự. Trên cơ sở đó, các cấp của chính quyền địa phương mới có cơ sở phân công các lực lượng phối hợp tham gia bảo vệ, đảm bảo đúng đối tượng, chức năng, nhiệm vụ.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cho rằng cần cân nhắc thẩm quyền của Chính phủ đối với chế độ bảo vệ vành đai an toàn kho đạn dược.

Về thẩm quyền của Chính phủ đối với chế độ bảo vệ vành đai an toàn kho đạn dược và hành lang an toàn kỹ thuật và hệ thống ăng-ten quân sự được quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 18, đại biểu đề nghị dự thảo nên xem xét bỏ quy định này, không bao quát hết thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ cho tất cả trường hợp còn lại chưa được liệt kê tại điều luật để tránh mất nhiều thời gian trong quá trình thực hiện đối với những việc có tác động không lớn. 

Đại biểu cho rằng, thẩm quyền này nên được cân nhắc xem xét kỹ đối với từng trường hợp cụ thể và quy định trong văn bản về trình tự, thủ tục cho phép hoạt động quản lý các công trình quốc phòng và khu quân sự.

Về quy định hạn chế hoạt động của người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại khoản 9 Điều 18 nhằm bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho rằng, quy định tại khoản 9 Điều 18 chưa hợp lý. 

Vì hiện nay hệ thống ăng ten quân sự của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, ban chỉ huy quân sự các huyện, quận, thành phố, thị xã đều nằm trong trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, huyện, quận, thành phố, thị xã, có nhiều nơi sát với tường rào của bộ chỉ huy, ban chỉ huy quân sự có đường giao thông đi lại.

Do đó, đề nghị cần xem xét quy định trên, giảm giới hạn khoảng cách trên hoặc quy định căn cứ khác để giới hạn hoặc quy định cụ thể những hoạt động nào người nước ngoài không được thực hiện trong phạm vi trong 500 m, chứ không thể quy định chung là cấm tất cả hoạt động đi lại.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) lại góp ý với Ban Soạn thảo Luật nên rà soát nội dung về giải thích từ ngữ, phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự… để đảm bảo rõ ràng. 

Cụ thể, theo đại biểu nên giải thích theo hướng: Công trình quốc phòng là công trình nhân tạo, hay thiên tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ quốc phòng. Công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự.

Đồng tình nhất trí cao với dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, việc bổ sung quy định về công trình lưỡng dụng là đúng đắn. 

Tuy nhiên, đại biểu dẫn khoản 6 Điều 7 lại quy định: Công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích dân sự được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật có liên quan và quản lý theo quy định của Luật này; công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng thì được quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật này.

Cũng theo quy định tại dự thảo luật, trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự thì chủ sở hữu công trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức việc quản lý, bảo vệ công trình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; việc cải tạo, sửa chữa công trình dân sự có tính lưỡng dụng làm thay đổi công năng sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng.

Đại biểu cho rằng, đã là công trình lưỡng dụng thì trước hết, phải quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật này, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công nếu là tài sản của Nhà nước và pháp luật liên quan khác. 

Vì vậy, trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng thì cần có thêm những quy định đặc thù trong quản lý, bảo vệ, vì vậy, cần chỉnh lý lại khoản 6, Điều 7 cho rõ ràng, cụ thể hơn.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phân loại công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng

Tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nếu giải thích kỹ lưỡng và chi tiết mọi khái niệm thì Chương 2 sẽ có dung lượng rất lớn, bao hàm nhiều nội dung. Tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để giải thích chi tiết, cụ thể đồng thời đảm bảo được bố cục hài hòa của dự thảo luật.

Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, Bộ trưởng cho biết, việc phân loại, phân nhóm trong dự thảo luật được nghiên cứu kế thừa quy định tại Nghị định số 04 của Chính phủ ngày 16/1/1995 ban hành quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại, nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản công, tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý thống nhất với phạm vi điều chỉnh của luật này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở xác định phạm vi, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ và chế độ, biện pháp quản lý bảo vệ phù hợp đối với từng loại nhóm, là cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan. 

Do tính chất đa dạng của công trình quốc phòng, khu quân sự cũng như yêu cầu của việc quản lý, bảo vệ, việc phân loại trong dự thảo luật là phù hợp, thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, thống nhất với các quy định của pháp luật.

Công trình quốc phòng, khu quân sự được phân loại theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng của mỗi loại: Loại A phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; loại B phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập của lực lượng quân đội và dân quân tự vệ; loại C phục vụ cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy đạn dược, vũ khí, trang bị, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất các sản phẩm quốc phòng; sự loại D phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên của quân đội.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top