Nhiều khó khăn trong quản lý đảng viên là quân nhân xuất ngũ

15:34 - Thứ Sáu, 27/10/2023 Lượt xem: 4138 In bài viết

Thời gian qua, cùng với việc làm tốt công tác tạo nguồn đảng viên nhập ngũ, nhiều địa phương đã chú trọng đến quản lý, bố trí, phát huy vai trò của đảng viên là quân nhân xuất ngũ (QNXN). Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn và là bài toán hóc búa đối với nhiều cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở trên phạm vi toàn quốc nói chung, tại tỉnh Đồng Tháp và Bến Tre nói riêng.

Xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) có số đảng viên là QNXN tương đối đông. Theo đồng chí Nguyễn Việt Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thạnh, hiện toàn xã có 36 đảng viên là QNXN, trong đó có hơn 10 đảng viên đang là thành viên trong các hợp tác xã, số còn lại đi làm ăn xa. Để quản lý số đảng viên này, một mặt địa phương đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã, tạo việc làm tại chỗ để giữ chân đảng viên. Đối với các đảng viên đi làm ăn xa, từ đầu năm 2023, xã Bình Thạnh chủ trương thành lập nhóm trên mạng xã hội Zalo để nắm bắt tình hình đảng viên. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, bởi đảng viên không sinh sống ở địa phương, không sinh hoạt tại chi bộ nên việc theo dõi, nắm bắt tình hình là vô cùng khó khăn.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Bình Thạnh, đảng viên là QNXN từng được giáo dục, rèn luyện trong môi trường Quân đội nên có tác phong chính quy, có tinh thần xông pha không ngại khó, không ngại khổ và là hạt nhân nòng cốt trong các phong trào của địa phương. Mặc dù vậy, để quản lý, phát huy tốt vai trò của lực lượng này cũng đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều điều trăn trở. Thứ nhất là sau khi xuất ngũ, họ thường đến các thành phố lớn để làm việc, lo toan cho kinh tế gia đình. Hai là để sắp xếp những đảng viên này tham gia vào các công việc ở xã, ấp cũng là điều không dễ dàng vì liên quan đến công tác tạo nguồn cán bộ của địa phương. 

Tại tỉnh Bến Tre, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ những năm qua luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc, chất lượng tuyển quân ngày càng được nâng cao. Song song với đó, số lượng đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương ngày càng nhiều và đã được đào tạo cơ bản về kiến thức quân sự, được rèn luyện, thử thách trong môi trường Quân đội; có kỹ năng về các hoạt động quân sự, nhận thức tốt về chính trị. Đây là nguồn cán bộ có nền tảng rất tốt cho cơ sở. 

Chi bộ Đại đội 1, Tiểu đoàn 502, Trung đoàn 320, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ kết nạp đảng viên.

Theo Thượng tá Lê Công Hạnh, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bến Tre, việc quy hoạch, đào tạo, bố trí đảng viên là QNXN một cách hợp lý là nhiệm vụ rất quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ năm 2016 đến nay, Bến Tre có 64 đảng viên là QNXN trở về địa phương. Trong số đó, nhiều đảng viên được bố trí việc làm trong hệ thống chính trị ở cơ sở đã góp phần tăng nguồn cán bộ trẻ, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương không tham gia sinh hoạt Đảng, vi phạm kỷ luật, bị xóa tên trong danh sách đảng viên, thậm chí có những đảng viên được bố trí công tác tại địa phương nhưng vẫn bỏ việc... 

Những vấn đề trên cũng là bài toán đặt ra cho nhiều cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là công tác tạo nguồn phát triển đảng tại địa phương trước khi thanh niên nhập ngũ, trong thời gian tại ngũ vẫn chưa có sự thống nhất trong quy hoạch, kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, đào tạo và bố trí sử dụng sau xuất ngũ. Do đó, tình trạng đảng viên sau khi xuất ngũ, người thì không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để bố trí công tác, hoặc người có đủ điều kiện để bố trí công tác nhưng do hoàn cảnh gia đình mà không tham gia. Ngoài ra, một số đảng viên khi tham gia công tác tại địa phương, nhất là vị trí cán bộ không chuyên trách, mức phụ cấp quá ít nên không đủ để lo cho gia đình... 

Thượng tá Lê Công Hạnh cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đảng viên là QNXN thì cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đối tượng phát triển đảng, gắn với công tác quy hoạch cán bộ địa phương. Trong đó, cần tăng cường phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học để xây dựng nguồn phát triển đảng viên trong quá trình học tập, sau khi ra trường tham gia nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, có phương án quy hoạch, bố trí việc làm, công tác tại địa phương hoặc phục vụ lâu dài trong Quân đội.

Để đảng viên sau khi xuất ngũ tiếp tục cống hiến, gắn bó với các phong trào của địa phương, đòi hỏi cấp ủy chi bộ cần sâu sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên tư tưởng để họ an tâm lao động, sản xuất tại địa phương. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế để đảng viên sau xuất ngũ có việc làm, cuộc sống ổn định, an cư lập nghiệp trên chính quê hương mình. Đó cũng là điều kiện cần để đảng viên sau khi xuất ngũ phát huy tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, từng bước hạn chế việc đảng viên xin miễn sinh hoạt đảng do phải đi làm ăn xa, hay phải làm đơn xin ra khỏi Đảng; qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top