Pháp luậtAn ninh, trật tự

Con chữ “dẫn đường” hoàn lương

10:36 - Chủ Nhật, 24/12/2023 Lượt xem: 2702 In bài viết

Phạm nhân đi... học

Từ sân phân trại số 1 (Trại giam Nà Tấu, thuộc Bộ Công an, địa điểm xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ) đã nghe tiếng đọc bài vọng to, đều. “Mặt trời tỉnh giấc/Hai má ửng hồng/Tung đám mây bông/Vươn vai thức dậy/Cô gió thi chạy/Trong cánh rừng xa/Mang cả hương hoa/Ùa vào lớp học”. Những vần thơ “Buổi sớm” (nhà thơ Hoàng Minh Ngọc) trong trẻo ấy đang được các phạm nhân lớp xóa mù chữ đồng thanh đọc to, theo tay chỉ của thầy giáo.

Hàng ngày, sau song sắt Trại giam Nà Tấu, nhiều phạm nhân chưa biết chữ, tái mù chữ vẫn đều đặn lên lớp, đi học. Ánh mắt chăm chú nghe thầy giảng bài, học đọc, học viết. Sau gần 5 tháng khai giảng lớp học năm 2023 – 2024, 71 học viên tại đây đều đã đọc tốt những bài thơ, đoạn văn ngắn. Đôi bàn tay cầm bút cũng đã đỡ gượng gạo, dù chưa nhanh nhưng có thể chép bài vào vở đúng và đủ.

Ông Lầu Chứ Dếnh (59 tuổi), người xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, là phạm nhân cao tuổi nhất lớp học. Tóc điểm bạc, mắt không còn tinh tường nhưng ông vẫn cặm cụi, cần mẫn học. Từng chữ, từng từ thầy dạy, ông luôn chăm chú ghi nhớ, mong ước có thể đọc thông, viết thạo.

Ông Dếnh thụ án từ năm 2018, nhận hình phạt 18 năm tù vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy. “Ở tuổi này rồi còn lầm lỡ, làm ảnh hưởng đến gia đình, tôi ân hận lắm. Mình thế này cũng một phần vì không biết chữ. Vì thế có cơ hội học tôi mừng lắm, việc học không giới hạn tuổi tác, già rồi cũng phải cố gắng học” – ông Dếnh bộc bạch.

Với tâm niệm đó, ông Dếnh là một trong những học viên chăm chỉ nhất lớp, hết giờ học ông mang sách về buồng giam luyện tập. Trong buồng có ai biết chữ thì ông nhờ kèm cặp, dạy thêm cho mình. Đôi bàn tay già run run cầm bút viết, ông Dếnh vẫn nói thêm: “Đời người phải đi học mới tốt”.

Mỗi phạm nhân tham gia lớp học có tâm tư, ước mong riêng gửi vào con chữ. Tại đây, cũng như các lớp học xóa mù chữ mở ở ngoài cộng đồng, độ tuổi đủ từ người trẻ đến người già. Đối tượng đặc biệt, lại đa dạng độ tuổi, nên cách truyền đạt kiến thức cần có phương pháp riêng. Phần việc khó này đang được giao cho thầy Cà Văn Đoàn, giáo viên Trường Tiểu học Tà Cáng, xã Nà Tấu đảm nhiệm.

Lần đầu tiên dạy những “học sinh” đặc biệt, thầy Đoàn cho biết: “Quả thực ban đầu tôi cũng rất hồi hộp, lo lắng khi được phân công dạy xóa mù chữ cho phạm nhân bởi không biết họ có hợp tác và chịu khó học không. Nhưng lớp mở rồi mới biết, hầu hết phạm nhân đều tha thiết, tích cực học chữ. Để họ hiểu và dễ nhớ bài, tôi kết hợp giảng dạy trên bảng phấn với trình chiếu hình ảnh liên quan, phóng to bài đọc, bài viết. Mỗi buổi chỉ dạy tập trung 1 nội dung nhỏ, sao cho học viên ghi nhớ, luyện tập nhuần nhuyền. Hơn nữa Trại giam còn sắp xếp cho tôi 1 trợ giảng là phạm nhân đang cải tạo tốt, thông thạo tiếng Việt. Vì thế lớp học diễn ra rất thuận lợi, chất lượng học của phạm nhân đảm bảo”.

Sách vào từng phòng giam

Sau giờ học, giờ lao động, cải tạo, nhiều phạm nhân xin quản giáo vào thư viện mượn sách mang về phòng giam đọc. Phân trại có 1 thư viện sách để phạm nhân mượn đọc hàng ngày. Dù chưa có điều kiện mua sắm, đầu tư và bổ sung nhiều sách nhưng gian thư viện nhỏ cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu đọc sách cho phạm nhân phân trại.

Trong phòng giam số 1, nhiều phạm nhân đang ngồi đọc sách, quay sang bàn luận với nhau về những câu chuyện, sự việc, nhân vật trong sách. Phạm nhân Giàng A Sua (sinh năm 1975) cũng đang chăm chú đọc, cho biết: “Đọc sách giúp tôi mở mang hiểu biết hơn, không được ra ngoài xã hội nhưng qua sách biết nơi này, nơi kia. Sách cũng giúp tôi giải trí, thấy ngày tháng trôi qua nhanh hơn, mong sao cho sớm được về với gia đình”.

Ông Sua cầm trên nay cuốn “Truyện ngụ ngôn Việt Nam”, chậm rãi đọc, một số chữ phải đánh vần lại. Ông tâm sự: “Ngày xưa, tôi chỉ đi học lớp 1 rồi bỏ, nên trước khi vào trại giam không biết chữ. Năm 2021, tôi mới được học xoá mù chữ do cán bộ công an dạy, nên giờ có thể đọc sách được như vậy”.

Ở phòng bên, phạm nhân Sể A Lử (người huyện Mường Nhé) đang nắn nót viết thư gửi về gia đình. Sau khi được học xoá mù chữ, Lử hào hứng tự tay viết những dòng thăm hỏi người thân: “Bố ở nhà có khỏe không. Con ở đây rất nhớ mọi người. Con sẽ cố gắng cải tạo tốt để được về với cả nhà…”. Lử giãi bày: “Biết chữ rồi, cảm thấy mình hiểu biết hơn một tí, tôi cảm thấy rất vui. Gia đình tôi chắc sẽ rất bất ngờ khi nhận được thư tôi tự viết”.

Đã được học con chữ từ trước khi vào trại giam, Vì Văn Tuấn (sinh năm 1985) như tìm được “ánh sáng dẫn đường” khi bước vào thư viện sách, cầm trên tay những cuốn sách nhân văn. Bên cạnh gối nằm của mình, Tuấn luôn đặt ít nhất 1 cuốn sách để nghiền ngẫm hàng ngày. Tuấn chia sẻ: “Tôi cải tạo từ năm 2020, án 20 năm, thời gian còn dài lắm, may có sách làm bạn và mở ra cho tôi những chân lý, đạo lý làm người, biết cái đúng, cái sai. Tôi thường mượn những sách văn học với bài thơ, câu chuyện đẹp, làm tôi yêu cuộc sống hơn và kiên trì cải tạo thật tốt để sớm được ra ngoài kia”.

Đó cũng là mong ước chung của các phạm nhân. Hiện Trại giam Nà Tấu đang có hơn 1.200 phạm nhân chấp hành án, trong đó 84,7% là người dân tộc thiểu số, 21,2% không biết chữ, tái mù chữ. Nhiều phạm nhân đi vào con đường lầm lỡ bởi trình độ dân trí thấp, hiểu biết xã hội hạn chế. Vì vậy, Trại giam Nà Tấu có nhiều hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phạm nhân, để họ không tái phạm sau khi trở về. Trong đó việc xóa mù chữ, đưa con chữ vào trại giam được quan tâm đặc biệt.

8 năm trở lại đây, Trại đã tổ chức được 6 lớp dạy văn hóa xóa mù chữ cho 180 phạm nhân. Những năm trước, đứng lớp trực tiếp dạy chữ cho phạm nhân là cán bộ Trại giam. Từ năm 2023, theo chương trình phối hợp về tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân giai đoạn 2023 - 2030 giữa Trại giam Nà Tấu với Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, các lớp đã có giáo viên tiểu học giảng dạy.

Thượng tá Nguyễn Hữu Khương, Phó Giám thị Trại giam Nà Tấu cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các phạm nhân không biết chữ, không thông thạo tiếng Việt để phối hợp tổ chức mở lớp xóa mù chữ. Đồng thời tích cực đề xuất, trao đổi, có phương án bổ sung sách cho thư viện Trại giam. Phạm nhân biết chữ, tích cực đọc sách là điều rất đáng mừng, là nền móng cho việc nâng cao nhận thức tìm hiểu pháp luật, chấp hành nội quy Trại giam. Từ đó có ý thức học tập, cải tạo, rèn luyện để sau khi trở về tránh tái phạm sai lầm, trở thành người có ích cho xã hội”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top