Cần chính sách đột phá để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam

15:05 - Thứ Ba, 29/03/2022 Lượt xem: 2959 In bài viết

Sáng 29-3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đa số đại biểu thảo luận cho rằng, Nhà nước cần có chính sách đột phá hơn để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Toàn cảnh phiên họp sáng 29-3.

8 nhóm vấn đề liên quan còn ý kiến khác

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đây là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam nên việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, có 8 nhóm vấn đề còn có ý kiến khác được các đại biểu Quốc hội quan tâm gồm: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; việc sản xuất phim gồm cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam. Cùng với đó là vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng; việc cấp giấy phép phân loại phim, thẩm định và phân loại phim; việc phân loại phim; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, một số ý kiến đề nghị cần có chính sách đột phá hơn về đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh.

Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, vẫn còn ý kiến đại biểu Quốc hội kiến nghị không yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp kịch bản phim hoặc chỉ cung cấp kịch bản phim khi sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam hoặc sử dụng diễn viên Việt Nam. Vì còn ý kiến khác nên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục xin ý kiến đại biểu Quốc hội 2 phương án gồm: Phương án 1 là quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam và phương án 2 là quy định yêu cầu kịch bản đầy đủ. Một số ý kiến đại biểu còn kiến nghị đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp giấy phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim do tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đồng thời, có ý kiến đề nghị làm rõ quy trình hợp tác sản xuất phim, trách nhiệm của các cơ sở điện ảnh trong nước cung cấp dịch vụ phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Khuyến khích phát triển công nghiệp điện ảnh

Tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến vấn đề thẩm quyền cấp giấy phép phân loại phim, thẩm định và phân loại phim. Cụ thể, trong Điều 27, điểm a quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim Việt Nam do cơ sở điện ảnh của Trung ương sản xuất; còn UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim Việt Nam do cơ sở điện ảnh của địa phương sản xuất. Theo đại biểu, quy định này đặt ra những bất cập cần cân nhắc.

“Việc giao địa phương cấp Giấy phép phân loại phim sẽ gây áp lực lớn cho địa phương, chưa kể các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thiếu nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng đến kết quả thẩm định. Vì thế, tôi cho rằng, cần giao cho cơ quan quản lý điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép phân loại phim hoặc về lâu dài có thể cho phép các trung tâm thẩm định tác phẩm điện ảnh với các điều kiện đi kèm”, đại biểu Dương Minh Ánh kiến nghị.

Còn đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh rằng, dự thảo luật chưa có điều khoản nào khuyến khích sự phát triển công nghiệp điện ảnh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vì thế cần bổ sung nội dung này vào để phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) phát biểu ý kiến.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) và đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) quan tâm đến vấn đề cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Hai đại biểu đều nhất trí với phương án 1 là quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nếu ngay từ khâu đầu tiên mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã vấp rào cản là cung cấp kịch bản đầy đủ thì họ sẽ không mặn mà nữa. Khẳng định, chỉ cần quy định như phương án 1 là đủ, đại biểu Nga cho rằng, quá trình làm phim thì kịch bản có thể thay đổi nên việc thẩm định kịch bản chi tiết không có nhiều ý nghĩa.

Còn đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, nhiều quy định tại dự thảo với các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm phim còn quá chặt chẽ, chỉ cần họ không vi phạm điều 9 về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh là đủ.

Cũng quan tâm đến hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 8 "Nhà văn hóa, các tụ điểm chiếu phim, câu lạc bộ và hiệp hội chiếu phim công cộng, đội chiếu phim lưu động của Việt Nam không được phép tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hay liên doanh với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài" là hạn chế quá mức cần thiết sự tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã tiếp thu, giải trình và làm rõ một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, để hoàn thiện dự án Luật này cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu 20 luật của các quốc gia phát triển để tìm ra xu hướng chung của các nước, không bị lạc hậu và qua đó đưa ra các chính sách phát triển phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Bộ trưởng nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh để trình cơ quan liên quan để dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ ba sắp tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Phát biểu kết luận phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp, đã có 11 đại biểu phát biểu ý kiến với tâm huyết và trách nhiệm cao. Trong đó, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao các cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự thảo luật và đã tiếp thu, chỉnh lý để phù hợp với thực tiễn hơn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Sau phiên họp này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan tiếp tục tổng hợp các ý kiến thảo luận và có báo cáo giải trình, tiếp thu gửi các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan liên quan để tiếp thu giải trình và hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp thứ ba sắp tới”.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top