Tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh

05:51 - Thứ Năm, 05/05/2022 Lượt xem: 3693 In bài viết

ĐBP - Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết tinh của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân, toàn quân ta trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc. 68 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng, ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng ấy vẫn còn vang vọng mãi, là động lực  và “mạch nguồn” sức mạnh để thế hệ trẻ các dân tộc tỉnh Điện Biên vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, nỗ lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cựu chiến binh Bùi Kim Điều, phố 9, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) ôn lại kỷ niệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những ký ức hào hùng

68 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức về cuộc chiến, về đồng chí, đồng đội đã cùng sát cánh trong những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của cựu chiến binh Bùi Kim Điều, phố 9, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) - người từng tham gia trận mở màn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe đã suy giảm nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn. Ông Điều nhớ lại: Năm 1952, khi ấy tròn 22 tuổi, tôi xung phong vào bộ đội và được biên chế về C4, E165, F312. Tháng 12/1953 đơn vị ông nhận lệnh hành quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong trận chiến này, đơn vị ông Điều được giao nhiệm vụ hết sức quan trọng là tham gia tiến công, tiêu diệt cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Điều tiếp lời: Him Lam là cứ điểm có vị trí đặc biệt quan trọng, được thực dân Pháp xây dựng hết sức kiên cố. Đây là một trong ba trung tâm đề kháng được Pháp xây dựng trên điểm cao gần 500m, gồm ba cứ điểm trên ba quả đồi nằm giáp cánh đồng Mường Thanh, án ngữ đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách phân khu trung tâm 2,5km.

Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, toàn bộ lực lượng pháo binh của ta đồng loạt bắn tập kích vào cứ điểm Him Lam và phân khu trung tâm, yểm hộ cho bộ binh ta tấn công. Tại đây, cuộc chiến đã diễn ra vô cùng ác liệt, nhiều ổ súng ngầm của quân Pháp bất ngờ xuất hiện, trút hỏa lực vào đội hình xung kích của ta; nhiều đồng đội của ông Điều đã anh dũng ngã xuống. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt được cứ điểm 3, còn cứ điểm 1 và 2, ta và địch trong thế giằng co quyết liệt. Sau hơn 6 tiếng đồng hồ, dù địch phản kích ác liệt nhưng đến 22 giờ 30 phút, quân đội ta giải quyết xong cứ điểm nhỏ 2; 23 giờ 30 phút giành thắng lợi hoàn toàn tại cứ điểm 3, hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt Trung tâm Đề kháng Him Lam, tiêu diệt 300 tên địch, bắt sống 200 tên, thu toàn bộ vũ khí và trang thiết bị chiến đấu của địch, xóa sổ một đơn vị. Sau trận Him Lam, đơn vị ông Điều tiến hành đào hào, củng cố công sự, vây chặt trận địa địch, rồi tiếp tục nhận nhiệm vụ cùng với các đơn vị khác chiến đấu đến khi chiến dịch hoàn toàn thắng lợi. Có thể khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi mà ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, đó còn là hành trang, “kim chỉ nam” để thế hệ trẻ Điện Biên hôm nay vững bước đi lên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương Điện Biên ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Tự hào tiếp bước cha anh

Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, tuổi trẻ Điện Biên hôm nay đã tiếp bước cha anh, giữ vững tinh thần xung kích, tình nguyện, không ngừng nỗ lực, rèn luyện, sáng tạo trên các lĩnh vực học tập, lao động, để lại “dấu ấn” tốt đẹp bằng những công trình thanh niên mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, tạo sức lan toả mạnh mẽ, thu hút không chỉ thanh niên mà cả bà con nhân dân cùng tham gia vào các hoạt động.

Tuổi trẻ Điện Biên nguyện tiếp bước cha anh xây dựng một Điện Biên phát triển, giàu đẹp. Trong ảnh: Chị Lường Thị Ninh, Giám đốc HTX Lường Ninh giới thiệu sản phẩm nông nghiệp mới thu hoạch.

Chiều muộn, ghé thăm Hợp tác xã (HTX) Lường Ninh, bản Cuông, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo), dù mới đi vào hoạt động, nhưng HTX đã giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả cao hơn cây trồng truyền thống. Chị Lường Thị Ninh (sinh năm 1995), Giám đốc HTX chia sẻ: Sau khi HTX thành lập năm 2021 với 9 thành viên, chị đã vận động các hộ chuyển đổi 5.000m2 đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng 1.200m2 dưa leo, 3.800m2 cà chua... Được sự hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, tới nay, sau hơn 4 tháng trồng thử nghiệm, HTX đã xây dựng được 2.000m2 nhà màng, diện tích cây trồng đã cho thu hoạch, đạt năng suất cao với 6 tấn dưa chuột, hơn 10 tấn cà chua. Các tiểu thương thu mua tại vườn với giá 5 nghìn đồng/kg dưa chuột, 10 nghìn đồng/kg cà chua, mỗi năm từ 3 - 4 vụ. Có thể thấy rằng, với ý chí dựng xây, sự sáng tạo, tinh thần dám nghĩ dám làm, không chùn bước trước khó khăn, chị Lường Thị Ninh đã mang đến “luồng gió mới” giúp người dân vùng cao có thêm sinh kế, tư liệu sản xuất; đặc biệt đánh thức khát vọng làm giàu, thoát khỏi đói nghèo nơi những bản làng vùng cao, vùng sâu.

Ngược ngàn về miền biên viễn Sín Thầu (huyện Mường Nhé), nơi đâu chúng tôi cũng nghe được những câu chuyện cảm động về tình quân dân, về sự gắn bó mật thiết của bà con trong bản với bộ đội biên phòng - những người đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Thiếu tá Lò Văn Điện, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Pa Chải chia sẻ: Đóng quân trên địa bàn xã biên giới, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới dài 38,281km và 16 cột mốc. Phát huy truyền thống lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng, để bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và giữ bình yên biên giới, cán bộ, chiến sĩ luôn coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Kế tục truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, mỗi cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khó bám bản, bám biên giới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng hành cùng nhân dân trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn đã cử các tổ công tác xuống cơ sở, tích cực hướng dẫn bà con xây dựng nhiều mô hình kinh tế; khai hoang, thâm canh tăng vụ, làm thủy lợi, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển trang trại, kinh tế vườn rừng... Khớp nối với nhiều tổ chức, tấm lòng nhân ái hỗ trợ, thăm khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Bằng những chiến công và sự hi sinh thầm lặng, các anh những chiến sĩ “mang quân hàm xanh” dù thời chiến hay thời bình, việc canh giữ, bảo vệ từng tấc đất biên cương luôn là nhiệm vụ rất đỗi thiêng liêng và cao cả.

Với ý chí, khát khao “Làm một trận Điện Biên Phủ trong xu thế hội nhập và phát triển”. Kế thừa và phát huy những bài học quý báu của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ Điện Biên hôm nay nguyện nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây quê hương Điện Biên ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top