Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

08:52 - Thứ Ba, 06/02/2024 Lượt xem: 5453 In bài viết

Đồng chí Trần Quốc Cường         

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

ĐBP - Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Điện Biên đã có những bước khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo mọi điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội giúp đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào theo tôn giáo xây dựng cuộc sống mới.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao; vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do, tội phạm ma túy còn diễn ra và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền” để lôi kéo, kích động tư tưởng ly khai tự trị; các nhóm, phái tôn giáo mới, “tà đạo”, “đạo lạ” đẩy mạnh các hoạt động lôi kéo người dân tham gia, lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan, lệch chuẩn văn hóa, gây ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống Nhân dân, phức tạp về an ninh trật tự và công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường cùng các đại biểu tại lễ khánh thành cầu Thanh Bình - Công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Quyết

Nhận thức sâu sắc về công tác dân tộc, những năm qua tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, đồng bào theo tôn giáo trên địa bàn tỉnh, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập trong các tầng lớp nhân dân. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 10/12/2021 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với vận động xóa bỏ các hủ tục; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.

Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giảm nghèo vùng DTTS; khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Phát huy vai trò tích cực của già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS, chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến đối với các hộ nỗ lực vươn lên thoát nghèo tiêu biểu, các tổ chức, cá nhân tham gia và có những việc làm thiết thực giúp người dân thoát nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo người DTTS.

Tỉnh đã chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định phân cấp trong quản lý về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chủ trương, chính sách, dự án liên quan đến đồng bào DTTS, như: Giải quyết nhu cầu, vướng mắc về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở, việc làm, chuyển đổi nghề. Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ưu tiên phát triển toàn diện đối với nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng DTTS; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế cho nhân dân, xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo, tạo việc làm bền vững. Phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, phát huy lợi thế tiềm năng của từng vùng gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; xây dựng vùng dược liệu, thúc đẩy khởi nghiệp kinh doanh, thu hút đầu tư, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, thế mạnh của vùng, địa phương để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS: Giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ...; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư những nơi cần thiết; đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; bảo đảm các hộ gia đình vùng đồng bào DTTS và miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia, dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông, tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Đẩy mạnh hoạt động tín dụng ưu đãi và tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả. Tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp cận dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh ở tuyến trên thông qua chính sách bảo hiểm y tế nhằm nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, cải thiện tầm vóc, tuổi thọ của người dân. Tăng cường tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng tầm vóc của trẻ em 0 - 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và trẻ em vùng đặc biệt khó khăn. Chú trọng công tác tuyên truyền chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là vận động xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục; ưu tiên đào tạo nhân lực cho nhóm các DTTS còn gặp nhiều khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo để nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng nghề cho người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS, khu vực khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu sử dụng và tạo việc làm ổn định, bền vững, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế người dân rơi vào tình trạng đói nghèo, tái nghèo.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường tặng quà gia đình chị Lường Thị Mai, hộ nghèo xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Ảnh: Huyền Lâm

Tỉnh thực hiện tốt việc lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án, vốn tín dụng, vốn đầu tư công để tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích bằng các cơ chế về đất đai, thuế, lao động, nhằm thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ xã hội thiết yếu vào vùng đồng bào dân tộc, nhất là vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ; phát huy vai trò giám sát của các tổ chức đối với việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, đến nay, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 36.294 hộ (chiếm 26,03%); giảm 10.939 hộ nghèo, tương đương giảm 8,87% hộ nghèo so với đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 (năm 2023 toàn tỉnh giảm 5.412 hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,32% so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm trên 5%, đạt mục tiêu hàng năm theo kế hoạch). Thực hiện Đề án số 09 của Ủy ban MTTQ Việt Nam, đã có 5.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà đại đoàn kết an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai. 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; đào tạo nghề 8.300 lao động, giải quyết việc làm cho 9.100 lao động; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS; khoảng 2.100 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông; 93% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hệ thống đài truyền thanh cơ sở có cụm loa đến thôn, bản hoạt động hiệu quả...

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, đồng bào theo tôn giáo trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, người dân. Vận động Nhân dân giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tranh thủ vai trò, uy tín của người có uy tín trong đồng bào DTTS, đồng bào theo tôn giáo để giải quyết các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng quà cho học sinh là con em trong Giáo xứ Điện Biên có thành tích học tập tiêu biểu. Ảnh: Thành Đạt

Triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, đề án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, nhất là cho đồng bào các DTTS, đồng bào theo tôn giáo; phát huy những giá trị tốt đẹp, loại bỏ hủ tục, mê tín dị đoan. Kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo để tuyên truyền kích động, lôi kéo đồng bào gây mất đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án, vốn tín dụng, vốn đầu tư công để tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS, đồng bào theo tôn giáo. Bảo đảm thực hiện đúng, hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS, đồng bào theo tôn giáo. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đoàn kết các dân tộc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và ứng phó hiệu quả với mọi tình huống, bảo vệ cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS, đồng bào theo tôn giáo. Chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những phức tạp ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng” về an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, đồng bào theo tôn giáo.

Bình luận

Tin khác

Back To Top