Hướng tới những sự kiện lớn trong năm 2024

07:12 - Thứ Sáu, 09/02/2024 Lượt xem: 5669 In bài viết

ĐBP – Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên Phủ 2024, trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra 136 sự kiện cấp quốc gia, cấp tỉnh và 128 chương trình sự kiện với sự đăng ký tham gia hưởng ứng của 33 tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức như: Kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh (28/6/1909 - 28/6/2024), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 - 10/10/2024), Lễ hội Hoa Ban, đặc biệt là Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ… với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước. Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, an ninh, khánh tiết… đã được các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện ngay từ năm 2023.

Đồng chí Lò Thị Minh Phượng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tập trung tuyên truyền các ngày lễ lớn năm 2024

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng với những dấu mốc lịch sử, như: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 115 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh; 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Điện Biên và 270 năm ngày nghĩa quân Hoàng Công Chất giải phóng Mường Thanh. Năm 2024 cũng là Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên Phủ 2024 với nhiều hoạt động có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo chương trình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp tổ chức 13 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch. Tỉnh Điện Biên sẽ chủ trì tổ chức 28 hoạt động, sự kiện. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều hoạt động, sự kiện đặc sắc do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức hưởng ứng.

Thông qua các hoạt động kỷ niệm sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, cổ vũ, động viên các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là dịp để cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh nhà phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Xác định tầm quan trọng của các sự kiện đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 3097-QĐ/TU ngày 19/4/2023 về việc thành lập Ban Chỉ đạo kỷ niệm các ngày thành lập, các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trên địa bàn tỉnh trong 3 năm 2023 - 2025 và nhiều quyết định, kế hoạch khác có liên quan. Với vai trò là cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh, cơ quan Thường trực Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Tiểu ban ban hành các kế hoạch về thông tin, tuyên truyền kỷ niệm về các sự kiện. Chủ trì biên soạn 2 cuốn sách tuyên truyền hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Điện Biên (từ năm 1949 - năm 2020) (2 tập); Chiến sĩ anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia xây dựng cuốn sách “Điện Biên Phủ - lịch sử và ký ức”.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, cơ quan có ấn phẩm báo chí trong tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, chỉ đạo hệ thống tuyên giáo các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đối với mỗi sự kiện, căn cứ vào tính chất, mức độ, quy mô triển khai các hoạt động tuyên truyền phù hợp, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tiết kiệm. Cùng với đó là lồng ghép với việc tuyên truyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh. Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chống phá các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh góp phần quan trọng vào thành công kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2024.

Diệp Chi (ghi)

Cho Điện Biên Phủ nở hoa

70 năm đã trôi qua, mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử đã có nhiều đổi thay. Sự đổi thay, phát triển được xây trên nền móng biết bao mồ hôi, xương máu, những mất mát hi sinh của chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và Nhân dân trong chiến dịch lịch sử năm xưa. Những chiến sĩ Điện Biên ngày nào nhiều người đã mất, người còn sống đều đã tuổi ngoài 90, sức khỏe yếu. Thế nhưng ký ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ thì vẫn còn vẹn nguyên. Với nhiều cựu chiến binh, Điện Biên là quê hương thứ hai, là niềm tự hào, là một phần máu thịt.

Góc nhỏ trang trọng và đầy tự hào trong căn nhà của chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Chứa, thôn C17C, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên).

Bước sang tuổi 94, nhưng chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều, đơn vị C405, E165, F312 vẫn còn minh mẫn. Chứng kiến sự vươn mình của Điện Biên sau 70 năm, ông Điều cho biết: Tuy so với cả nước có thể chậm hơn nhưng so với Điện Biên ngày trước thì đổi thay nhiều lắm. Bây giờ đường sá mở rộng, sạch đẹp; lòng chảo nhà ngói, mái bằng đã thay thế nhà tranh. Đời sống Nhân dân ngày càng được nâng lên, lớp thế hệ sau được học tập đầy đủ. Như gia đình tôi, từ chỗ chỉ có bản thân tôi lên đây chiến đấu, đến nay đã là một đại gia đình với 45 người ở các thế hệ; con, cháu đều đã trưởng thành.

Xen lẫn tự hào, ông Điều bùi ngùi chia sẻ trong niềm nhớ thương những đồng đội đã hi sinh: Chúng tôi may mắn còn sống được đến nay là “sống đại diện” cho bao nhiêu đồng đội đã hi sinh trong chiến dịch - những người không may mắn được chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất Điện Biên, của đất nước.

Sau cuộc chiến với thực dân xâm lược, các Chiến sĩ Điện Biên tiếp tục bước vào “cuộc chiến” mới - cuộc chiến xóa đói nghèo. Nhiệm vụ của mỗi chiến sĩ là kề vai sát cánh, đoàn kết Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục. Trên chiến trường mà họ từng chiến đấu kiên trung, những Chiến sĩ Điện Biên tiếp tục trần lưng chặt cây dựng nhà, cuốc đất làm ruộng, khai hoang, phục hóa xây dựng cuộc sống mới. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc từng bước đổi thay. Điện Biên hôm nay nhà tầng mọc lên san sát, đường sá to đẹp, sân bay kết nối với hai trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn nhất cả nước.

Những thay đổi của Điện Biên hôm nay, đối với những chiến sĩ Điện Biên, họ vô cùng tự hào. Sự phát triển đó xứng đáng với cống hiến, hi sinh của họ và đồng đội. Những người chiến sĩ ấy tiếp tục bảo ban, giáo dục con cháu mình nối tiếp sự nghiệp bảo vệ đất nước, chăm lo xây dựng quê hương Điện Biên ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với tầm vóc Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tuệ Linh

Thượng tá Lò Ngọc Hòa, Phó Trưởng Công an TP. Điện Biên Phủ

Kết hợp giữa phòng ngừa và tấn công tội phạm

Năm 2024 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh. Các sự kiện lớn này chủ yếu tổ chức trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Đây là cơ hội quảng bá hình ảnh, văn hóa, du lịch, đặc biệt là thu hút đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Là lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh trật tự cho các hoạt động, sự kiện lớn trong năm 2024, Công an TP. Điện Biên Phủ đã tập trung lực lượng, phương tiện, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác giữ gìn an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Trên các lĩnh vực đều có các giải pháp chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ xảy ra. Đặc biệt là các lĩnh vực như đấu tranh phòng, chống tội phạm; giao thông, trật tự... Bên cạnh làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng, chống tội phạm cho Nhân dân. Kết hợp mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm; tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm, giải quyết các vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường. Với phương châm “Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và tấn công quyết liệt các loại tội phạm - lấy phòng ngừa là chính - kết hợp đánh trúng, đánh đúng các loại tội phạm - không để tội phạm lộng hành gây bức xúc xã hội”, Công an thành phố sẽ nỗ lực hoàn thành tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Công an thành phố tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa, thể thao - du lịch, lễ hội diễn ra trên địa bàn. Bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở, từng khu dân cư, tổ dân phố, bản, tạo điều kiện để Nhân dân vui xuân, đón tết an toàn, bình yên, phấn khởi.

Lan Phương (ghi)

Đại tá Trần Đức Sinh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh

Sẵn sàng phương án xử trí kịp thời các tình huống

Năm 2024 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, trọng tâm là Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo kế hoạch, lễ kỷ niệm có tổ chức mít tinh, duyệt binh, diễu hành với sự tham gia của nhiều lực lượng quân và dân kết hợp.

Để các hoạt động kỷ niệm được diễn ra trang trọng, an toàn, Bộ CHQS tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu theo nhiệm vụ, lĩnh vực được giao. Là lực lượng tham gia bảo đảm an ninh an toàn, chuẩn bị cho diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm, Bộ CQHS tỉnh tham mưu khảo sát vị trí, địa điểm ăn nghỉ cho các đoàn tham gia diễu binh tại 16 khu vực, 2 khu vực trưng bày sản phẩm công nghiệp quốc phòng, 2 khu vực bắn pháo chào mừng; khu vực tập kết, đường cơ động, các tuyến đường diễu binh ngoài phố... Tham mưu cho Quân khu 2 và Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch sẵn sàng chiến đấu bảo đảm an toàn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nắm chắc tình hình địa bàn, sẵn sàng các phương án xử trí kịp thời các tình huống không để bị động bất ngờ.

Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Đề án tổ chức Lễ diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thành lập Ban Tổ chức, các tiểu ban giúp việc Ban Tổ chức thực hiện nhiệm vụ diễu binh, diễu hành kỷ niệm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ diễu binh, diễu hành, đơn vị tổ chức đoàn cán bộ tham gia tập huấn diễu binh do Bộ Quốc phòng tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4.

Đăng Thành (ghi)

Đồng chí Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế

Đảm bảo công tác y tế cho các sự kiện, hoạt động

Sở Y tế nằm trong Tiểu ban Hậu cần, cơ sở vật chất của Ban Chỉ đạo kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng trên địa bàn tỉnh trong 3 năm (2023 - 2025). Chính vì vậy, ngay từ cuối năm 2022, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành đã xây dựng Kế hoạch đảm bảo y tế trong thời gian diễn ra các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ để tập trung triển khai thực hiện.

Theo đó, ngành tập trung đảm bảo hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các đoàn đại biểu, du khách và nhân dân tham gia các hoạt động kỷ niệm. Đồng thời, đảm bảo thực hiện tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trước, trong và sau thời gian diễn ra các hoạt động.

Đầu tiên, ngành tập trung thực hiện tốt công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch, phát hiện, xử trí kịp thời không để dịch bệnh lây lan. Đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất khử khuẩn, phương tiện phòng, chống dịch sẵn sàng triển khai thực hiện khi có tình huống dịch bệnh xảy ra. Vấn đề đảm bảo VSATTP trong dịp kỷ niệm cũng rất quan trọng. Do đó, ngành tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát VSATTP tại tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt chú trọng các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn; thực hiện việc kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về VSATTP trước, trong và sau thời gian diễn ra các hoạt động kỷ niệm. Ngành yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị và chuẩn bị phương án để kịp thời xử lý các tình huống ngộ độc thực phẩm xảy ra.

An Chi (ghi)

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nắm bắt cơ hội

Các sự kiện trọng đại diễn ra trong năm 2024 là cơ hội lớn để Điện Biên quảng bá, thu hút khách du lịch, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với cơ hội như vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp để góp phần tổ chức thành công các sự kiện quan trọng của tỉnh.

Đầu tiên, ngành xác định cần tham mưu, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Đây là điều kiện quan trọng, tạo tiền đề thu hút các nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của du khách. Cùng với đó, ngành đề xuất bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo từng giai đoạn và huy động nguồn kinh phí xã hội hóa cho công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử. Ngành cũng tham mưu chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024.

Ngoài ra, để “giữ chân” du khách và tạo sức hấp dẫn cho du khách trở lại, ngành cũng xác định cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp và cộng đồng trong việc xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Hòa chung xu thế phát triển của xã hội, ngành tập trung triển khai chương trình chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý du lịch. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống quản lý, số hóa di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể; hiện đại hóa phòng trưng bày, giới thiệu tổng thể Chiến dịch Điện Biên Phủ, tái hiện lại sự kiện lịch sử và các công trình, kiến trúc lịch sử, thực hiện số hóa các điểm du lịch...

Mai Giáp (ghi)

Bình luận

Tin khác

Back To Top