Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Mường Phăng ngày ấy, bây giờ

15:52 - Thứ Bảy, 16/03/2024 Lượt xem: 4299 In bài viết

ĐBP - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ (trước đây thuộc huyện Điện Biên) được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn là nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch. Tại đây, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau 70 năm, từ căn cứ chiến dịch xưa Mường Phăng vươn mình đổi thay và cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, lòng yêu nước; là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế.

Bài 1: Mường Phăng - Trái tim chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, ngoài các địa danh nổi tiếng như Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1... không thể không nhắc đến Mường Phăng. Đây là nơi đặt Sở Chỉ huy - cơ quan đầu não của chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ 31/1 - 15/5/1954). Trước đó, địa điểm thứ nhất của Sở Chỉ huy đặt tại hang Thẩm Púa (xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo) trong 32 ngày và địa điểm thứ 2 đặt tại bản Huổi He (xã Nà Tấu) với thời gian 13 ngày.

Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm tại khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng.

Những ngày tháng 3, hòa theo dòng người đông đúc, chúng tôi đến rừng Mường Phăng - nơi mà người dân thường gọi một cách trìu mến và gần gũi là “rừng Đại tướng”. Tại khu rừng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng với Bộ chỉ huy chiến dịch đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954. Quân ta đã bắt sống và tiêu diệt 16.200 tên địch của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng Điện Biên, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cách TP. Điện Biên Phủ khoảng 30km đường bộ (khoảng 15km đường chim bay). Được bố trí dọc theo con suối nhỏ chạy quanh chân núi Pú Đồn, trên diện tích rừng tự nhiên khoảng 90km², Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là một hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã chiến gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn được làm bằng những vật liệu đơn sơ như cây tre, luồng, lá móc, lá gồi... có sẵn tại khu rừng Mường Phăng, phù hợp điều kiện tác chiến và bảo đảm bí mật, an toàn cho Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Du khách tham quan Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ ngoài vào trong Sở Chỉ huy chiến dịch gồm các vị trí: Trạm gác tiền tiêu (bảo vệ Sở Chỉ huy chiến dịch ở vòng ngoài); lán và hầm làm việc của cơ quan thông tin đảm bảo liên lạc trong chiến dịch, truyền đạt các mệnh lệnh nhanh chóng, chính xác và bảo mật. Tiếp đến là lán và hầm làm việc của sĩ quan liên lạc giữa Bộ Chỉ huy chiến dịch với đoàn cố vấn quân sự. Đi sâu vào trong là đường hầm xuyên núi - công trình vĩ đại tại Mường Phăng với chiều dài 69m, nối giữa lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lán của đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Lán tác chiến nơi theo dõi diễn biến chiến sự trên chiến trường của ban tác chiến và ban quân báo. Tại đây vào 15 giờ chiều 7/5/954 Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận tiến công vào sở chỉ huy của quân Pháp, bắt sống tướng Đờ-cát cùng toàn bộ bộ tham mưu.

Du khách đến từ Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại lán ngủ của Điện báo viên.

Nằm ở trung tâm Sở Chỉ huy chiến dịch là hệ thống lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt thời gian 105 ngày. Lán ở và làm việc của Đại tướng đơn sơ và giản dị như bao ngôi lán khác trong khu rừng Mường Phăng. “…Vật liệu gồm tre, luồng, lá móc, lá gồi kiếm được tại chỗ. Giữa nhà có một chiếc bàn đủ rộng để trải bản đồ. Hai bên là hai ghế dài, mặt ghế ghép bằng những đoạn vầu bổ đôi. Hai đầu có hai chiếc giường lát nứa, một của tôi, một của đồng chí vệ sĩ. Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra kiểu nhà này. Nó đã ổn định tới mức không cần có sự cải tiến nào” - trích hồi ức của Đại tướng trong “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” về lán ở và làm việc của mình.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong ngôi lán đơn sơ ấy, hành trang của Đại tướng chỉ gói gọn trong chiếc ba lô con cóc đã sờn bạc cùng thời gian. Trên chiếc bàn tre, hàng ngày Đại tướng trải rộng tấm bản đồ nghiên cứu tình hình chiến sự. Tại đây, Đại tướng đã có những đêm thao thức trăn trở tìm cách đánh mưu trí, linh hoạt cho mỗi trận đánh để giành thắng lợi. Và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư cách là Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch, Đại tướng đã đưa ra một quyết định lịch sử. Đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau này Đại tướng đã chia sẻ đó là “Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”. Với quyết định sáng suốt này, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chiếc bàn làm bằng tre nứa trong nhà tác chiến là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp giao ban với Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh Pú Huốt, cao nhất trong quần thể núi rừng ở Mường Phăng là đài quan sát. Từ đây có thể nhìn thấy toàn bộ thung lũng Mường Thanh với các cứ điểm đồi Him Lam, Độc Lập, D1, C1, A1, cầu Mường Thanh và hầm Đờ-cát. Mọi động tĩnh của quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều bị quân ta theo dõi.

Chị Nguyễn Hồng Loan, du khách đến từ Thái Nguyên, chia sẻ cảm xúc khi đến Mường Phăng: Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Không chỉ cảm nhận khí hậu trong lành của khu rừng nguyên sinh mà còn bồi hồi xúc động, ấn tượng về những di tích như: Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của ban thông tin, nhà tác chiến... Chỉ có lều tranh vách lá mà ý chí của thế hệ ông cha ta quá kiên cường, với sự lãnh đạo tuyệt vời của Đảng để giải phóng dân tộc. Các thế hệ trẻ Việt Nam đến thăm lại chiến trường xưa sẽ học tập, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của quê hương đất nước mà ông cha mình đã phải hy sinh biết bao xương máu để giành lại độc lập tự do cho ngày hôm nay.

70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các điểm di tích thành phần thuộc di tích chiến trường Điện Biên Phủ đã từng bước được đầu tư, tôn tạo, phục vụ tham quan du lịch. Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục như: Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đường tham quan di tích dài 1.300m, 12 ngôi lán ở và làm việc của Bộ chỉ huy chiến dịch, 3 đường hầm trong đó có đường hầm dài 69m... và các hạng mục phụ trợ khác.

Cụm tượng đài Chiến thắng Mường Phăng khẳng định quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta.

Theo ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, 70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngôi lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn không thay đổi nhiều. Bà con các dân tộc nơi đây luôn gìn giữ, bảo vệ Mường Phăng như khu rừng thiêng. Ngoài giá trị lịch sử, Mường Phăng còn là một trong những khu bảo tồn tự nhiên đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Cách rừng Mường Phăng không xa, hồ Pá Khoang trong xanh, hiền hòa, giữa lòng hồ, đảo Hoa Anh Đào khoe sắc thắm mỗi độ xuân về. Ngay cạnh khu di tích là các bản văn hóa truyền thống người Thái với những nếp nhà sàn đơn sơ, độc đáo, đậm nét văn hóa truyền thống.

Bài 2: Góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Bài, ảnh: Văn Tâm - Phạm Trung
Bình luận
Back To Top