Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Khơi nguồn “mạch sống” Điện Biên

08:23 - Thứ Năm, 11/04/2024 Lượt xem: 2496 In bài viết

ĐBP - Dù chiến tranh đã lùi xa 70 năm, những bao trang “sử sống” vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những người lính góp sức xây dựng Điện Biên năm xưa. Thuở “hai bàn tay ta làm nên tất cả”, bằng mồ hôi, xương máu và trí tuệ những người lính nông trường, thanh niên xung phong (TNXP), từ mảnh đất từng bị bom đạn cày xới với ngổn ngang phế tích chiến tranh, giờ đây Điện Biên Phủ đã trở thành một thành phố trẻ lộng lẫy, bừng sáng nơi cực Tây Tổ quốc.

Cựu TNXP Đỗ Vũ Xô và Trần Công Chính thăm lại đập tràn bê tông chắn nước ở đầu nguồn.

Từ trung tâm thành phố ĐBP, chưa đầy 20 phút đi xe máy xuôi theo hướng đi cửa khẩu Tây Trang, chúng tôi tìm đến mảnh đất từng là chiến trường Hồng Cúm xưa (hiện nay trên địa bàn thuộc xã Thanh An và xã Thanh Yên, huyện Điện Biên). Chiến tranh đã lùi xa 70 năm, bao trùm lên chiến trường ác liệt năm xưa giờ là những cánh đồng lúa, ngô xanh mướt, ngút ngàn, những ngôi nhà khang trang, mái ngói đỏ tươi.

Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, mái tóc bạc trắng như cước, nhưng ông Trần Văn Đáp, chiến sĩ Điện Biên, công nhân nông trường Quốc doanh Điện Biên vẫn còn nhớ như in những năm tháng hào hùng. Ông Đáp bồi hồi nhớ lại: “Trong chiến dịch ĐBP năm 1954, Hồng Cúm cùng với Him Lam, Đồi A1 là 3 trung tâm đề kháng kiên cố nhất, mạnh nhất của quân đội Pháp. Hồng Cúm là cứ điểm cuối cùng của quân Pháp bị quân ta tiêu diệt trong đêm 7/5/1954, kết thúc trọn vẹn chiến thắng ĐBP của quân và dân ta.”

Sau chiến thắng lịch sử ĐBP năm 1954, đơn vị ông Đáp được lệnh chuyển về Thanh Hóa nhận nhiệm vụ mới. Đến năm 1958, đơn vị ông nhận nhiệm vụ trở lại Điện Biên. Sau những ngày hành quân vất vả, toàn đơn vị đã có mặt tại Điện Biên và bắt tay vào việc xây dựng doanh trại, đồng thời tập trung phát hoang để kịp sản xuất vụ mùa và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc thành lập Nông trường quân đội.

Ông Đáp tiếp lời: “Lúc ấy, Hồng Cúm chỉ có vài mái nhà tranh tre nứa lá của bà con dân tộc Thái sống thưa thớt. Đời sống người dân thiếu thốn đủ đường, chủ yếu tự cung, tự cấp, săn bắt, hái lượm trên rừng. Khu đất mà Quân đội Pháp xây dựng trận địa Hồng Cúm rộng lớn, nhưng sau chiến dịch chỉ còn lại chồng chất dây thép gai, bom mìn, vũ khí… như một vùng đất chết.

Nhờ bộ đội tháo gỡ bom mìn, dây thép; hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng lúa, trồng ngô, mía và các loại hoa màu… những bước đi đầu tiên, bắt tay vào việc khôi phục xây dựng cuộc sống mới trên những vết thương chiến tranh vẫn còn hằn sâu.”

Cựu TNXP cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng.

Có một sự kiện rất đặc biệt mà ông nhớ mãi, năm 1960, ông Đáp và toàn bộ đồng đội chính thức làm lễ “hạ sao”, chính thức rời quân ngũ, trở thành công nhân Nông trường Điện Biên. Những người lính thuộc các đại đội được bố trí thành một đội sản xuất xen kẽ với các xã, bản khu vực lòng chảo Điện Biên. Ông Đáp được biên chế về đội C2, công nhân tham gia sản xuất tại Hồng Cúm, xã Thanh Yên.

Sau những năm đầu vừa khai hoang, vừa cải tạo bãi chiến trường ngổn ngang bom đạn thành đồng ruộng; vừa tổ chức sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Điện Biên; đội C2 đã tích cực khai hoang đất, trồng cà phê, cây lương thực và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm  đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ cho cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên của Nông trường.

Ngày 8/5/1958, Nông trường Quân đội Điện Biên được thành lập trực thuộc Cục Nông - Binh, Bộ Quốc phòng gồm 1.954 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 176. Tổ chức Nông trường khi đó gồm: Nông trường bộ, các phòng ban trực thuộc và 23 đơn vị sản xuất, mỗi đơn vị sản xuất là 1 đại đội (gọi là C) thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, làm giao thông, thủy lợi, cơ khí, máy kéo vận tải, sản xuất vật liệu kiến thiết cơ bản...

Các C được bố trí xen kẽ với các xã toàn vùng lòng chảo Điện Biên và khu vực Mường Ảng, Tuần Giáo. Ngày 22/12/1960, Nông trường quân đội Điện Biên chuyển thành Nông trường Quốc doanh Điện Biên, trực thuộc Bộ Nông trường và được giao nhiệm vụ tiếp tục khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp để sản xuất lương thực, thực phẩm và phát triển cây cà phê theo phương châm: Sản xuất trước, quy hoạch sau; trồng trọt trước, xây dựng sau; lấy cây ngắn nuôi cây dài, trồng cây lâu năm và phát triển các ngành nghề khác. Đồng thời hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất và sẵn sàng chiến đấu khi có chiến sự xảy ra.

Năm 1963, chàng thanh niên Đỗ Vũ Xô quê huyện Thanh Trì, Hà Nội, hiện nay đang trú tại Tổ dân phố 1, xã Thanh Minh, Thành phố Điện Biên Phủ khi ấy mới 20 tuổi, là Phó Bí thư Đoàn Hợp tác xã đã tình nguyện cùng 300 đội viên là người Hà Nội lên Điện Biên xây dựng Công trường Đại thủy nông Nậm Rốm.

Dù tuổi cao, nhưng ký ức năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong người lính Trần Văn Đáp.

Nay dù mắt đã mờ, đôi chân đã mỏi, khi được chúng tôi ngỏ lời, ông Xô không ngần ngại vẫn hăng hái đi cùng chúng tôi về thăm lại công trình đập tràn bê tông chắn nước ở đầu nguồn. Khi đặt chân đến đó, bao ký ức tuổi hai mươi cho dù đầy gian nan, vất vả lại ùa về khiến gương mặt ông bỗng trở nên rạng rỡ hẳn.

Ông Xô xúc động nói: “Trong suốt 7 năm (từ 1963 - 1969) đoàn thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng được 1 đập tràn bê tông chắn nước. Tuyến kênh chính dài 823m, kênh tả dài 15,017km, kênh hữu dài 18,051km. Trong đó, kỳ vĩ nhất là đập đầu mối công trình dâng nước có dạng thủy lực tràn Ofixerop, xây bằng đá bọc bê tông, có chiều cao hơn 9 mét nằm ở cửa ngõ Him Lam của thành phố ĐBP. Từ đập đầu mối này, nước sẽ được chia đều sang hai tuyến kênh tả - hữu làm nhiệm vụ “dẫn thủy, nhập điền” cung cấp nước tưới cho toàn bộ cánh đồng Mường Thanh.

Đang say xưa kể, ông Xô bỗng chững lại, giọng trầm xuống: “Tôi vẫn còn nhớ như in lời dặn dò tại lễ phát động thi đua của ông Hoàng Tinh - khi ấy là Trưởng ban Chỉ huy công trường phụ trách chung: “Chúng ta khó khăn 1 thì phải khắc phục 10 và biện pháp là 20”. Với khẩu hiệu “ba bù” (bù mưa, bù ốm, bù phòng không), lực lượng TNXP tham gia xây dựng công trình đã tăng ca, đẩy giờ làm việc lên từ 10 đến 12 giờ lao động/ngày, như để khẳng định sức trẻ, sự đoàn kết, lòng quả cảm, nhiệt huyết và thái độ hăng say làm việc của thế hệ TNXP thời bấy giờ.

Cầm trên tay cuốn hồi ký, đôi mắt ngấn lệ, ông Xô khẽ tiếp lời: “Tôi không thể nào quên ngày 13/3/1966, toàn đơn vị tràn ngập trong đau thương mất mát, 5 đồng đội của tôi đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ thì  bom Mỹ trút xuống phá hủy công trình đập đầu mối. Có người bị những mảnh bom lia, người bị sức ép bởi bom đạn. Thương nhất là Đội trưởng Nông Văn Mận, khi máy bay Mỹ bất ngờ ập đến, anh đứng trên miệng hầm quan sát và chỉ kịp hét lên: “Anh em xuống hầm!”. Sau tiếng nổ chát chúa, thân thể anh bị bom xé nát hòa lẫn đất”. Nói đến đây, ông nghẹn ngào: “Thương lắm các anh chị ạ! đó là thời khắc tôi không thể nào quên được, nó đã ám ảnh tôi suốt cả đời.”

Công trường Đại thủy nông Nậm Rốm chính thức được khởi công xây dựng năm 1963 đến năm 1969 thì hoàn thành. Hơn 2.000 cán bộ, đội viên, trong đó, hơn 800 thanh niên tình nguyện Tháng 8 Thủ đô và thanh niên nhiều tỉnh miền xuôi như: Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá… đã xung phong lên Điện Biên góp công, góp sức. Họ mang sứ mệnh và trọng trách cao cả là phải hoàn thành công trình Đại thủy nông Nậm Rốm trong thời gian sớm nhất để tạo nên “mạch sống” cho Điện Biên, sớm thoát khỏi tình trạng thiếu đói, giáp hạt…

70 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần, ý chí quả cảm của những chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa và các cựu TNXP vẫn như “mạch nguồn” chảy mãi, tiếp thêm lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các thế hệ cùng chung sức bảo vệ và xây dựng mảnh đất Điện Biên ngày càng giàu đẹp, phồn vinh; xứng đáng với tầm vóc chiến thắng ĐBP “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top