Du lịchĐất và người Điện Biên

Trắng một mùa ban

08:21 - Thứ Năm, 10/03/2022 Lượt xem: 41940 In bài viết

ĐBP - Cũng như bao người con đất Việt, nhắc tới Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi luôn tự hào và cảm phục trước sự hi sinh của thế hệ cha anh đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do hôm nay. Được một lần đến Điện Biên là ao ước của tôi suốt bao năm tháng. Và tôi đã được thỏa nguyện mong ước ấy vào đúng mùa hoa ban nở rộ, và hướng tới 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Không khỏi bồi hồi, háo hức cho lần đầu gặp gỡ Điện Biên.

Du khách lưu lại khoảnh khắc mùa ban khi đến Điện Biên.

Tháng 3, đường lên Điện Biên hoa ban nở trắng rừng! Qua những rừng ban trắng đẹp tinh khôi, TP. Điện Biên Phủ hiện ra với ánh vàng của nắng, sắc xanh của cây rừng và màu trắng của hoa ban. Những con đường lớn và sạch sẽ dẫn tới các con phố sầm uất đan xen di tích lịch sử. Điện Biên Phủ vốn là chiến trường rộng lớn với bao máu xương của quân và dân ta đã ngã xuống, để cho hôm nay được hồi sinh và phát triển. Với người cao tuổi từng chứng kiến sự tàn phá bởi chiến tranh thì thay đổi trên mảnh đất lịch sử này thực sự là một phép màu.

“Đến Điện Biên muốn làm gì thì làm nhưng trước hết chúng ta nên đi chào những người con bất tử trong lòng Điện Biện đã nhé!” Nghe anh bạn người Điện Biên nói vậy, bao mệt mỏi sau quãng đường dài tan biến để chuẩn bị cho hành trình tri ân. Nơi chúng tôi đến là Nghĩa trang Độc Lập. Bước qua phòng chờ vào bên trong Nghĩa trang là chìm trong không gian tĩnh mịch, trang nghiêm và cảm xúc của con người hoàn toàn khác. Trong không gian rộng khoảng 5 héc ta là nơi yên nghỉ của 2.432 liệt sĩ. Bỗng lòng tôi thắt lại, bước chân chùng xuống, thấy mình nhỏ bé trước không gian, trước hàng ngàn tấm bia mộ người chiến sĩ chưa biết tên. Khóe mắt cay cay bởi hương trầm khói tỏa hay bởi điều gì khác, điều gì quá lớn lao?.

Những ngôi mộ ở nghĩa trang hầu hết không có tên nhưng các anh có một tên chung, đó là tên của đất nước - ngôi sao vàng 5 cánh trên nền màu đỏ. Các anh nằm đó, yên nghỉ dưới bầu trời xanh, dưới màu ban trắng bình yên không tiếng bom đạn, chứng kiến quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp.

Bỗng khúc nhạc cất lên từ nhà Quản trang như nói hộ tiếng lòng của những người con về với Điện Biên: “Tôi đến thăm anh một sớm mùa xuân/ Không gian lặng im trên đài tỏa khói hương/ Tôi đến thăm anh hoa ban nở trên đồi/ Ngôi sao yên lặng trên tượng đài linh thiêng.../ Anh nằm đó trong tiếng ru quê hương”...

Người ta nói mỗi hạt cát trên mảnh đất Điện Biên hôm nay đều thẫm đẫm máu của những người con đất Việt. Có lẽ chính bởi thế mà cảm xúc đầu tiên gặp gỡ Điện Biên trong tôi là tự hào, cảm phục và biết ơn sâu sắc sự hi sinh anh dũng của cha anh cho dân tộc, cho đất nước. “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” của những chiến sĩ Điện Biên mà tôi đã được học, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng đã không thể tưởng tượng được đằng sau câu thơ khắc họa lịch sử ấy lại là sự hi sinh anh dũng phi thường đến như vậy. Cảm xúc càng tự hào hơn khi được đứng trên điểm giành giật quyết liệt trong trận địa Điện Biên Phủ - đồi A1. Lịch sử đã ghi lại, A1 được ví như chìa khóa của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và 39 ngày đêm chiến đấu trên đồi A1 cả quân ta và Pháp đều dồn sức mạnh cho trận quyết định này. Và quả bộc phá 960kg là đòn chí mạng đánh vào cứ điểm quân Pháp tại đồi A1. Trước những chứng tích chiến tranh còn lại, có lẽ không chỉ tôi mà những người được sinh ra trong thời bình phần nào hiểu được sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sĩ để có được sự độc lập, tự do hôm nay.

Vượt quãng đường 35km, chúng tôi có mặt ở Mường Phăng. Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ẩn dưới chân núi Pú Đồn được bố trí thành hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, vừa phù hợp với tốc độ làm việc, vừa bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Cô hướng dẫn viên giới thiệu: “Sở Chỉ huy nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, được bà con gọi với cái tên thiêng liêng: Rừng Đại tướng. Từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía sau, lên đỉnh đồi Pu Ca, có thể quan sát toàn cảnh TP. Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1, cầu Mường Thanh...”.

Mỗi nơi chúng tôi đi qua, dường như vẫn còn in dấu chân của Đại tướng, của những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Bước ra ngoài đường hầm, chợt thấy nơi ngực mình nghẹn lại một cảm giác quặn thắt trong lòng bởi những gì mắt thấy và con tim cảm nhận của một người được sinh ra, được hưởng thụ nền hòa bình và phát triển mà bản thân chưa định hình đã làm được gì cho quê hương.

Định rằng ở lại Điện Biên đến Lễ hội Hoa Ban, nhưng do dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, dù có phần nuối tiếc nhưng đành kết thúc chuyến đi sớm hơn dự kiến. Trở về Hà Nội sau chuyến đi thực tế, dư âm hình ảnh chuyến đi về miền hoa ban: Ngôi sao vàng năm cánh trên những hàng bia vô danh tại Nghĩa trang Độc Lập, hố bộc phá ngàn cân trên đồi A1, đường hầm xuyên núi cả ngàn mét; hoa ban nở rộ 2 bên các tuyến đường trong TP. Điện Biên Phủ, những chiếc váy đầy mày sắc của các cô gái Mông, người địa phương thật thà như đếm... cứ hiện về, khiến lòng bâng khuâng, luôn mong trở lại!

Ba Nguyễn
Bình luận
Back To Top