Xã hộiĐịa chỉ cần chia sẻ

Mưu sinh tuổi xế chiều

08:34 - Thứ Năm, 11/04/2019 Lượt xem: 39123 In bài viết

ĐBP - Trong cuộc đời, ai cũng mong muốn có cuộc sống viên mãn, an hưởng tuổi già bên con cháu. Nhưng vì những lý do khác nhau mà nhiều người vẫn phải bươn chải mưu sinh khi đã ở tuổi xế chiều.

 

Những khi ở nhà, ông Lò Văn Tâm lại đan lát rổ rá để đem bán hoặc đổi gạo, thức ăn hàng ngày.

Mỗi lần đến huyện Mường Ảng công tác, tôi thường gặp một cụ ông dáng người gầy gò, nhỏ thó, gánh những chiếc rổ, rá, lồng gà vượt dốc sống trâu vào các bản đổi gạo. Sau khi tìm hiểu, tôi được biết đó là ông Lò Văn Tâm (83 tuổi), ở bản Ðắng, xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng).

Một ngày đầu tháng tư, 2 đồng chí cán bộ của xã Mường Ðăng dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Lò Văn Tâm. Nhà ông Tâm xập xệ, đơn độc bên khe đồi; dù chỉ cách trục đường chính vào trung tâm xã chừng vài trăm mét, nhưng để đến được nhà ông thì chúng tôi phải để xe máy dưới lề đường, sau đó đi bộ qua mấy bờ ruộng bậc thang, rồi băng qua chiếc cầu làm bằng một miếng gỗ có chiều dài khoảng 2m và rộng vừa bằng bàn chân do ông Tâm làm để đi lại mỗi ngày.

Căn nhà lợp bằng cỏ gianh đã mục nát, rộng bằng 4 cái chiếu đôi; che chắn xung quanh nhà là những vách tre, nứa trống huơ trống hoác, đến nỗi nắng xiên vào tận gầm giường… Do cả 2 ông bà đều nặng tai và không nói được tiếng phổ thông, nhưng qua phiên dịch của 2 đồng chí cán bộ xã, tôi phần nào hiểu được hoàn cảnh của gia đình ông.

Ông Lò Văn Tâm có 3 người con, 2 cô con gái đã lấy chồng, cuộc sống cũng khó khăn nên không giúp được gì nhiều. Cậu con trai út đã ngoài 30 tuổi, do mải chạy theo làn khói phù dung mà cứ đi miết chẳng thấy về… Ông Tâm cho biết, lẽ ra hôm nay ông vẫn gánh lồng gà, rổ, rá vào các bản để đổi thóc, gạo như mọi ngày, nhưng vì ốm nên đành ở nhà nghỉ ngơi cho lại sức; thi thoảng lại gượng dậy đan lát thêm để còn có cái đem bán, đổi thực phẩm.

Hôm nay, bà Kỷ - vợ ông cũng nấu cơm sớm hơn mọi ngày để bồi dưỡng cho ông. Bên bếp lửa lập lòe, cạnh nồi cơm đang ủ dưới than nóng là nồi canh với vỏn vẹn mấy cọng rau rừng và vài miếng tóp mỡ nổi lềnh bềnh.

Rời gia đình ông Tâm mà lòng nặng trĩu ưu tư, cả 3 chúng tôi không ai nói với nhau lời nào, nhưng có lẽ đều chung nỗi niềm xót xa. Hình ảnh người cha già chống gậy, lưng cong như dấu hỏi, lom khom tiễn chúng tôi ra chỗ giọt gianh cứ hiện mãi trong tâm trí tôi. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, lẽ ra phải được sống an bình bên con cháu thì ông Tâm, bà Kỷ vẫn tự chăm sóc nhau những lúc ốm đau, lầm lũi mưu sinh từng ngày.

Càng buồn hơn khi biết ở bản Ðắng gia cảnh của ông Tâm, bà Kỷ không phải duy nhất. Gia đình tiếp theo mà chúng tôi đến thăm là nhà ông Lường Văn D. và bà Lường Thị N. Cả 2 ông bà đều đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải mò cua, bắt ốc để cải thiện bữa ăn; những lúc ốm đau ông bà cũng chỉ biết động viên nhau mà chẳng có con cháu ở bên đỡ đần. Căn nhà xiêu vẹo của ông Lường Văn D. và bà Lường Thị N., mái lá lưa thưa, ngửa mặt lên là nhìn thấy trời lốm đốm. Hai người con trai của ông bà đều buôn ma túy và đang chấp hành án phạt tù vì tội buôn bán và sử dụng trái phép chất ma túy.

Trở về phố huyện trên con đường đất mấp mô, bụi bặm khi trời đã nhá nhem tối, tâm trạng chúng tôi không khỏi nặng trĩu ưu tư. Tôi cứ thầm nghĩ, giá như những người con có sức dài vai rộng kia của ông D. bà N. chịu khó tu chí lao động chân chính, sống cuộc đời bình thường như bao người khác, thì giờ đây những đấng sinh thành của họ đâu phải vất vả mưu sinh khi đã ở tuổi xế chiều…

Theo bà Tô Thị Hạnh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Ảng cho biết: Hiện toàn huyện có trên 1.000 người cao tuổi cô đơn, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài chi trả trợ cấp cho các đối tượng hàng tháng theo quy định Nhà nước, Phòng còn phối hợp với các tổ chức, đoàn thể thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, như: Thăm hỏi, tặng quà vào những dịp lễ tết, huy động các tổ chức cá nhân hỗ trợ tiền, nhân công, vật liệu làm nhà...

Mặc dù trong những năm qua công tác chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn được các cấp ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, không có sự trợ giúp nào bằng sự hiếu thảo, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ của con cái. Cha mẹ đã dành cả cuộc đời để chăm lo, nuôi nấng các con; việc quan tâm chăm sóc cha mẹ không chỉ là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người, mà đó còn là đạo lý, lòng hiếu thảo của con cháu đối với bậc sinh thành. Và chỉ có lòng hiếu thảo mới có thể giúp được cha mẹ vơi đi những nhọc nhằn mưu sinh khi đã ở tuổi gần đất xa trời.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top