Chính trịĐối ngoại

Phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

12:07 - Thứ Ba, 14/12/2021 Lượt xem: 12285 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (14/12), tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (TP. Hà Nội), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tuyến đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Hội nghị kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Các đồng chí: Lò Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đức Toàn,  Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như từ khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời. Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện những thành tựu của công tác đối ngoại trong 35 năm đổi mới; nhìn lại những bài học kinh nghiệm và nhận diện rõ hơn những vấn đề lớn đặt ra trước mắt. Đồng thời, phân tích rõ tình hình khu vực và thế giới, làm sâu sắc hơn đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định, từ đó đề ra nội dung, nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại thời gian tới.

Với mục tiêu phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần có sự thống nhất trong nhận thức và sáng suốt, quyết liệt từ nhận thức đến hành động để đưa ra những đường lối, quyết sách đúng đắn về công tác đối ngoại, từ đó triển khai đồng bộ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự đồng lòng của người Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo tình hình, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trình bày; nghe tham luận về kế hoạch phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại do lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trình bày; tiến hành phiên thảo luận giữa các ban, bộ, ngành Trung ương về công tác đối ngoại.

Theo đó, trong 35 năm qua, khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới thì công tác đối ngoại cũng được Đảng chú trọng chỉ đạo thực hiện. Với mục tiêu độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đến nay đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác đối ngoại. Cụ thể, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc; trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả các thành viên ASEAN. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Các đại biểu dự hội nghị đều nhận định rằng: Hiện nay, khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới thì vấn đề hòa bình, hợp tác và phát triển đang là xu thế lớn giúp giải quyết tình hình, biến động và góp phần dập tắt đại dịch. Chính vì vậy, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với các nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, không ngừng đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống, trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tin, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top