Bài dự thi Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Phát triển du lịch xứng danh Điện Biên Phủ: Khoảng cách giữa khát vọng và thực tế

17:14 - Thứ Sáu, 04/11/2022 Lượt xem: 8001 In bài viết

ĐBP - Điện Biên - địa danh lịch sử nổi tiếng, từ nơi bom cày đạn xới nay đã “nở hoa”, vươn lên phát triển. Thế nhưng để khách phương xa lựa chọn Điện Biên làm điểm đến, đặc biệt là quay lại du lịch hơn 1 lần thì không nhiều, bởi các trải nghiệm du lịch tại đây chưa “đã”. Khoảng cách từ thực tế đến khát vọng “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025” như Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 7/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vẫn còn xa. Và là chặng đường dài nhiều thách thức…

Bài 1: Du lịch lịch sử đã xứng tầm bản hùng ca Điện Biên Phủ?

Du lịch lịch sử là “chân kiềng” quan trọng nhất trong phát triển du lịch của Điện Biên, gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, du lịch lịch sử của Điện Biên vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng, chưa có sự kết nối, làm đa dạng và sâu sắc trải nghiệm, xứng đáng với bản hùng ca Điện Biên Phủ...

Các di tích như Đồi A1, Hầm Đờ-cát-xtơ-ri, Đồi D1, Đồi F cùng các công trình trên đó là điểm đến quen thuộc của du khách khi đến Điện Biên.

Tài nguyên còn bỏ ngỏ

Khách phương xa về nguồn, lên với Điện Biên tìm hiểu lịch sử thì đi những đâu? Câu hỏi này người dân Điện Biên và cả du khách khi tìm hiểu qua các kênh khác nhau đều dễ dàng trả lời. Đó là các di tích nổi tiếng: Đồi A1, hầm Đờ-cát-xtơ-ri, Đồi D1 với Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi F với Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đường kéo pháo bằng tay... Hầu hết khách du lịch và cả người dân Điện Biên chỉ biết những di tích này, tham quan các điểm đến ấy là hết “hành trình lịch sử”.

Thực tế, câu trả lời trên đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ còn rất nhiều di tích chiến trường Điện Biên Phủ nhưng chưa được phát huy, khai thác.

Quần thể Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là 1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng được xếp hạng đầu tiên trong cả nước vào năm 2009 với 22 điểm di tích thành phần. Năm 2015, có thêm 23 điểm thành phần được phê duyệt bổ sung. Quần thể này được khẳng định là di tích đặc biệt, có một không hai, có giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa – xã hội, khoa học và kinh tế không chỉ đối với Việt Nam mà còn thế giới.

 “9 năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. 9 năm can trường ấy đã để lại cho Điện Biên 1 quần thể “Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ” với 45 điểm di tích thành phần, nằm trải dài trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Tuần Giáo, Điện Biên.

Tuy nhiên hiện nay mới có 9/45 điểm di tích được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, 6/45 điểm di tích có bán vé tham quan. Nhiều di tích vẫn còn bỏ ngỏ, chưa phát huy được giá trị. Một số di tích đã được đầu tư tôn tạo nhiều lần song chưa hoàn chỉnh, chưa đưa vào phục vụ khách tham quan như Trung tâm Đề kháng Him Lam. Một số điểm đã được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và xây dựng công trình trên di tích nhưng chưa phát huy được giá trị, như: Di tích Đồi E với Trung tâm Văn hóa cựu chiến binh, di tích trận địa pháo H6, di tích trận địa pháo 105... – nhiều cái tên mà đến cả người Điện Biên cũng không biết, chưa từng đặt chân đến.

Trung tâm Đề kháng Him Lam đã được đầu tư tôn tạo nhiều lần song chưa hoàn chỉnh, chưa đưa vào phục vụ tham quan.

Anh Nguyễn Thế Anh (phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ): “Khi có bạn hoặc người nhà từ xa lên chơi, tôi dẫn họ đi các điểm di tích nổi tiếng trong trung tâm thành phố như Đồi A1, D1, Hầm Đờ-cát-xtơ-ri 1 buổi là xong. Mỗi di tích đi 1 lượt khá nhanh, nhìn, đọc, nghe giới thiệu rồi đi ra, như Hầm Đờ-cát-xtơ-ri có khi vào 10 – 15 phút tham quan, chụp ảnh, rồi không biết làm gì nữa”.

Từ Hà Nội lên Điện Biên trong hành trình về nguồn, chị Trần Thị Minh Hương cùng anh chị em trong ngân hàng mình công tác đến thăm những điểm di tích lịch sử, tâm linh trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này, chị Hương chia sẻ: “Thật sự rất xúc động khi tham quan và nghe thuyết minh tại các điểm di tích. Qua đó tôi hiểu rõ hơn sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh và tinh thần bất khuất, anh dũng của những người lính năm xưa. Tuy nhiên, tôi và anh chị em trong đoàn vẫn cảm thấy hơi tiếc nuối khi nhiều điểm di tích chưa được khai thác tốt. Như di tích Noong Nhai, khi đoàn xuống thăm Đền Hoàng Công Chất có đi qua đó, hướng dẫn viên kể qua câu chuyện về trại tập trung Noong Nhai do quân Pháp lập, dồn dân bản địa vào ở khi chiếm đóng Mường Thanh và vụ ném bom thảm sát 444 dân thường tại đây khiến ai cũng rưng rưng. Khi trở về, chúng tôi đã dừng xe, xuống thắp hương di tích Noong Nhai, thấy rất vắng vẻ, cũ kỹ, dường như ít người ghé thăm, chưa được khai thác gắn liền với ký ức chiến tranh ấy và bản làng xung quanh”.

Với số lượng lớn các điểm di tích thành phần và tập trung chủ yếu trong bán kính 30km xung quanh trung tâm TP. Điện Biên Phủ, có thể nói mỗi mét vuông lòng chảo Mường Thanh đều là một câu chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm 1954. Nhưng Điện Biên hiện chưa khai thác được nhiều điểm đến lịch sử ấy, cũng chưa mang lại được cho du khách những trải nghiệm và cảm xúc chân thực.

Trải nghiệm chưa sâu sắc

Khách du lịch đến các di tích Chiến trường Điện Biên Phủ thì trải nghiệm như thế nào? Câu trả lời là tham quan, đọc thông tin, nghe giới thiệu, thuyết minh từ thuyết minh viên/hướng dẫn viên. Một vài năm trở lại đây, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Ban Quản lý di tích tỉnh đã xây dựng, triển khai chương trình trải nghiệm làm chiến sĩ Điện Biên với nhiều hoạt động thú vị, tuy nhiên mới thu hút các trường học trên địa bàn tỉnh tham gia.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, thẳng thắn nhận định: “Hoạt động trải nghiệm, văn hóa, dịch vụ tại các điểm di tích còn đơn điệu, nghèo nàn, chưa mang lại cho du khách những trải nghiệm và cảm xúc chân thực về một chiến thắng lịch sử mang tầm cỡ quốc tế, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của khách tham quan trong nước và quốc tế”.

Hoạt động trải nghiệm làm chiến sĩ Điện Biên mới thu hút được học sinh trên địa bàn tham gia theo chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tại một hội thảo khoa học bàn về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên, diễn ra vào tháng 5/2022, nhà nghiên cứu lịch sử Võ Quốc Tuấn cũng tham gia ý kiến chỉ ra những khó khăn, tồn tại: “Sau gần 70 năm, hiện trạng lòng chảo Điện Biên Phủ đã có rất nhiều thay đổi. Tại hầu hết các di tích, dấu tích nguyên bản đã rất mờ nhạt hoặc bị phủ lấp hoàn toàn. Mối liên hệ, gắn kết giữa các điểm di tích còn yếu. Cơ bản điểm tham quan nằm trong hàng rào di tích, vì thế hình thức tham quan mang tính chất thụ động, chưa tạo được mạch cảm xúc cao, kích thích ham muốn khám phá, tìm hiểu của du khách. Khách du lịch đại đa số sẽ không hình dung được quy mô chiến trường; không hình dung được trực quan về khung cảnh các trận đánh năm xưa”. Quả thực, hầu hết du khách đến với các điểm di tích chiến trường Điện Biên Phủ đều có chung nhận định dù xúc động nhưng chưa “đã”, khó có ý định quay lại do không có trải nghiệm, sự kết nối giữa các di tích để kéo dài hành trình.

Theo một khảo sát của Ban Quản lý di tích tỉnh vào năm 2020: Số lượng khách du lịch đến tham quan các điểm di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ chiếm 70% số khách đến với Điện Biên. Đồng thời, phần lớn khách du lịch đến với Điện Biên vì lý do chính là có di tích chiến trường Điện Biên Phủ với giá trị lịch sử đặc biệt. Có thể thấy di tích là các điểm đến không thể thiếu trong các tour, tuyến du lịch của du khách khi lên với Điện Biên. Nếu không quyết liệt, không có giải pháp hữu hiệu phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch thì mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh hoàn toàn xa tầm với.

Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Không chỉ có quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ với những thuận lợi để nghiên cứu, tổ chức các tour, tuyến du lịch trải nghiệm lịch sử, mà Điện Biên còn nhiều tài nguyên để phát triển đa dạng các loại hình du lịch khác về văn hóa, thắng cảnh, nghỉ dưỡng... Thế nhưng các tiềm năng ấy đã được khai thác, phát huy giá trị hay chưa?

Bài 2: Nhiều tiềm năng chưa được “đánh thức”

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền – Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top