Dạy lớp ghép 2 trình độ ở Mường Nhé

08:47 - Thứ Hai, 21/03/2022 Lượt xem: 5817 In bài viết

ĐBP - Triển khai thực hiện dạy học đối với lớp ghép 2, 3 trình độ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các trường trên địa bàn tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch mở lớp ghép 2, 3 trình độ tại các điểm trường có số lượng học sinh ít, không đủ điều kiện để mở lớp đơn. Nhờ áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, hiệu quả nên chất lượng học sinh lớp ghép hàng năm được nâng lên; chất lượng học sinh lớp ghép so với các lớp đơn không chênh lệch nhiều. Tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp đạt 100%.

Học sinh học lớp ghép ở Điểm trường Huổi Cấu, thuộc Trường Tiểu học Nậm Vì, xã Nậm Vì (huyện Mường Nhé).

Năm học 2021 - 2022, cấp tiểu học toàn huyện có 12 trường tiểu học và 2 trường THCS có lớp tiểu học với 297 lớp, 6.983 học sinh; trong đó, tổ chức dạy lớp ghép đối với 46 lớp, 699 học sinh (lớp ghép 1 + 2 có 42 lớp, còn lại các lớp ghép 1 + 3; lớp ghép 3 + 4; lớp ghép 2 + 4 và lớp ghép 3 + 5 mỗi lớp ghép này đều chỉ 1 lớp). 100% lớp ghép mở tại các điểm trường lẻ được học trong các phòng học bán kiên cố, đảm bảo yêu cầu 1 lớp/phòng học 2 buổi/ngày. Trong 46 giáo viên dạy lớp ghép có 40 giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn. Phần lớn giáo viên dạy lớp ghép là người dân tộc thiểu số nên thuận lợi trong giao tiếp tiếng mẹ đẻ, hiểu được phong tục tập quán địa phương.

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Để thuận lợi trong việc tổ chức dạy lớp ghép, các trường phân công 1 đồng chí Ban giám hiệu phụ trách và trực tiếp chỉ đạo chuyên môn lớp ghép. Căn cứ vào tình hình thực tế, kinh nghiệm giảng dạy và trình độ, năng lực chuyên môn của từng giáo viên để phân công giảng dạy lớp ghép phù hợp. Giáo viên dạy lớp ghép được biên chế vào các tổ, khối chuyên môn; sinh hoạt chuyên môn tổ 4 lần/tháng. Nội dung sinh hoạt chuyên môn tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về giải pháp nâng cao chất lượng, dạy học theo nhóm trình độ, đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực... Ban giám hiệu các đơn vị trường, tổ khối chuyên môn thường xuyên thăm lớp, dự giờ, kiểm tra, đánh giá kết quả giảng dạy của giáo viên và kết quả học tập của học sinh; lấy chất lượng học sinh cuối năm làm thước đo đánh giá chất lượng dạy lớp ghép.

Nâng cao chất lượng dạy học lớp ghép, hàng năm, giáo viên dạy lớp ghép được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ qua các đợt bồi dưỡng, các buổi sinh hoạt chuyên môn tổ, cấp trường, cụm trường. Ngoài ra, giáo viên còn tự học, tự bồi dưỡng. Căn cứ vào chương trình các môn học quy định, giáo viên được phân công dạy lớp ghép trực tiếp lập kế hoạch dạy học cho cả năm, học kỳ, tháng, từng tuần học phù hợp với các nhóm trình độ học sinh, ghép bài học kiến thức mới ở trình độ này với bài ôn luyện, thực hành ở trình độ kia. Giáo viên áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức hoạt động dạy học trong mỗi tiết học, như: Dạy học chung cả lớp, dạy học riêng từng nhóm trình độ, dạy học cho mỗi cá nhân học sinh, tiết học của từng nhóm trình độ. Phân bổ thời gian làm việc với các nhóm trong từng tiết học hợp lý nhằm đảm bảo thời lượng thực học hiệu quả trong mỗi tiết học cho tất cả học sinh. Sử dụng phiếu giao việc trong quá trình dạy học để phát huy khả năng học tập độc lập và hợp tác nhóm của học sinh. Tăng cường khả năng hỗ trợ nhau giữa học sinh của các nhóm trình độ với học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp ghép tập trung vào 2 môn Tiếng Việt và Toán theo yêu cầu cơ bản cần đạt về kiến thức, kỹ năng quy định. Các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý chủ yếu được đánh giá về kỹ năng đọc; điểm tập đọc nội dung các môn học này được tính là điểm kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ của chính các môn học đó. Trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên quan sát, thu thập thông tin để đánh giá, nhận xét kết quả học tập của học sinh qua các bài tập, các sản phẩm của học sinh giúp các em tiến bộ trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, tại các trường còn nhiều lớp ghép, cách xa trung tâm xã giao thông khó khăn, một số điểm trường lẻ ít học sinh nên khó khăn trong công tác quản lý chỉ đạo, xây dựng kế hoạch mở lớp ghép và nâng cao chất lượng giáo dục. Do có nhiều chương trình giáo dục được tổ chức cùng một lớp nên gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch bài dạy (Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lớp 1, 2; chương trình VNEN lớp 3, 4, 5). Đội ngũ giáo viên ở các trường thiếu so với quy định, chưa đảm bảo biên chế 1,5 giáo viên/lớp ghép. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến một số đơn vị trường học phải dừng học chuyển từ dạy học trực tiếp sang dạy học bằng các hình thức khác trong khi thiết bị học của học sinh còn thiếu, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bài, ảnh: Gia Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top