Nhiều khó khăn triển khai chương trình GDPT mới

08:28 - Thứ Sáu, 25/03/2022 Lượt xem: 6401 In bài viết

ĐBP - Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 với nhiều đổi mới được đánh giá là phù hợp với các cơ sở giáo dục vùng thuận lợi, song lại đang tạo ra không ít thách thức cho vùng khó như tỉnh Điện Biên.

Một giờ học của cô và trò Trường PTDTBT THCS Trung Thu (huyện Tủa Chùa).

Từ đầu năm đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 2 hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước tham vấn đánh giá và tiếp tục triển khai thực hiện chương trình GDPT năm 2018. Tại 2 hội nghị này, đại diện tỉnh Điện Biên đều tham gia thảo luận, làm rõ kết quả, khó khăn trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới tại địa bàn, đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung để thực hiện tốt hơn trong những năm học tới. Trong đó, tập trung vào thiếu thốn cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Đấy cũng là những khó khăn chưa khắc phục được trong năm học tới để tiếp tục triển khai chương trình GDPT mới đối với các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10.

Những ngày đầu tháng 3, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng các nhà xuất bản sách giáo khoa (SGK) liên tiếp tổ chức hội thảo giới thiệu sách lớp 3, 7, 10 theo chương trình mới. Hơn 300 điểm cầu được kết nối, với sự tham gia của trên 400 cán bộ quản lý và gần 6.000 giáo viên các cấp. Ngay sau khi tiếp thu nội dung từ hội thảo, Trường PTDTBT THCS Trung Thu (huyện Tủa Chùa) đã chuyển các bộ SKG mới lớp 7 về từng tổ chuyên môn. Trên cơ sở đó, các tổ họp đánh giá, để đưa ra sự lựa chọn phù hợp với đối tượng học sinh địa bàn.

Điều bận tâm của nhà trường hiện tại là đồ dùng, thiết bị dạy và học phải đáp ứng chương trình GDPT năm 2018. Để áp dụng theo chương trình này, nhiều đồ dùng dạy học phải đi theo bộ, trong khi nhà trường không có. Triển khai đối với lớp 6, năm học này giáo viên phải tận dụng tối đa công nghệ trong từng bài giảng. Với quan điểm “SGK chỉ là bộ khung sườn”, nhiều thầy cô đã tự tìm tòi, sáng tạo, thiết kế thêm những bộ đồ dùng bổ trợ. Thầy Ngô Sơn Ngân, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Hiện nay chương trình học kỳ 2 đã qua hơn nửa, mà trường vẫn chưa được đầu tư bộ đồ dùng dạy học cho khối lớp 6 theo đúng chương trình. Nhưng vì đây là khó khăn chung của toàn ngành nên nhà trường chỉ còn cách động viên và đều nhận được sự ủng hộ của các thầy cô giáo”.

Còn tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tân Lập, xã Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông), cô Trần Thị Vân Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường đánh giá: “Bước đầu, nhiều giáo viên nhận xét chương trình SGK mới có phần nặng hơn so với tiềm lực của giáo dục vùng khó. Nguyên nhân là do sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cả năng lực, nhận thức của học sinh”. Bởi vậy, việc lựa chọn SGK mới lớp 3 đang được Nhà trường thực hiện rất kỹ càng. Mỗi giáo viên tự nghiên cứu, đánh giá và chấm điểm sách. Sau đó từng tổ chuyên môn tổng hợp và họp nhiều lần để tham gia ý kiến rồi mới hoàn tất gửi lên ban giám hiệu. Tiêu chí lựa chọn phải phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học tại trường...

Dù đang có sự chuẩn bị chu đáo, nhưng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tân Lập vẫn lường trước nhiều khó khăn. Đặc biệt là theo chương trình GDPT mới, học sinh từ lớp 3 có thêm môn học bắt buộc là Ngoại ngữ. Cô Trần Thị Vân Anh cho biết thêm: “Trường chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh thuộc cấp THCS, và hàng tuần đã kín lịch giảng dạy, vì thế học sinh các khối tiểu học của Nhà trường chưa được lên lớp môn học này. Năm học tới nếu không bổ sung thêm giáo viên thì không thể cân đối được cả 2 cấp học”.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, về đội ngũ cán bộ, giáo viên để thực hiện chương trình GDPT năm 2018, các cấp thiếu nhiều giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Đặc biệt cấp tiểu học chưa đảm bảo yêu cầu 1,5 giáo viên/lớp (thiếu 0,57 giáo viên/lớp), thiếu 69 giáo viên dạy Tiếng Anh và 22 giáo viên dạy tin học. Về cơ sở vật chất, năm học 2021 - 2022, còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, mượn (cấp tiểu học còn 31,9% phòng học bán kiên cố, 6,69% phòng tạm, mượn). Nhiều phòng học diện tích nhỏ khó bố trí đảm bảo tăng số học sinh/lớp theo quy định. Các phòng học bộ môn chủ yếu chuyển đổi từ phòng học văn hóa nên không đủ diện tích, ảnh hưởng đến việc lắp đặt thiết bị và tổ chức dạy học.

Với những khó khăn này, để tiếp tục triển khai chương trình GDPT mới, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư xây dựng trường lớp, thiết bị dạy học, cùng các cơ chế, chính sách giáo dục phù hợp với điều kiện vùng miền tỉnh ta. Cùng với đó là sự trau dồi, linh hoạt của các nhà trường và giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top