Những lớp học tạm ở vùng cao Huổi Lếch

08:09 - Chủ Nhật, 06/11/2022 Lượt xem: 4781 In bài viết

ĐBP - Một ngày cuối tháng 9, cơn mưa xối xả đổ xuống xã Huổi Lếch, huyện biên giới Mường Nhé. Giữa 2 dãy nhà xây cũ kỹ của Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Huổi Lếch, lớp học dựng bằng tre, bạt của cô giáo Vũ Thị Kim Hưng và 20 học sinh đang phải “gồng mình” chống đỡ. Không máy chiếu, thiết bị, giờ học “chay” chỉ có chiếc bảng từ đặt trên 2 gốc tre và những tấm tranh không màu.

Cô giáo Hưng đang hướng dẫn học sinh vào bài mới. Sau giờ tập đọc sôi nổi, cô cầm tay, cẩn thận uốn nắn cho học trò từng nét chữ. Cô Hưng tâm sự: “Năm học này số học sinh nhà trường gia tăng, trong khi đó điều kiện vật chất lại chưa đáp ứng. Lớp 2A1 do cô chủ nhiệm vì ít học sinh nhất nên trường bố trí tại phòng học tạm. Đây là phòng học vừa được dựng đầu năm học, hoàn toàn bằng tre, nứa và bạt dứa. Phòng rộng hơn 40m2, đủ về diện tích song chưa đảm bảo điều kiện phục vụ học tập.”

Một giờ học của cô và trò lớp 2A1, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Huổi Lếch. Ảnh: C.T.V

Phòng học của lớp 2A1 được bố trí vài dãy bàn ghế chắp ghép, 1 tấm bảng từ, song chưa thể lắp đặt hệ thống điện, quạt… Ngày bình thường, cô Hưng sẽ dành toàn bộ thời gian buổi sáng để dạy kiến thức mới trên lớp. Chiều đến, cô và học sinh phải sơ tán lên phòng hội đồng nhà trường để tổ chức các hoạt động ôn tập, củng cố tiếng Việt. Thời tiết vùng cao lại khắc nghiệt. Cứ chiều đến là nắng gay gắt, xiên qua những tấm liếp rọi thẳng vào mặt học sinh. Nhiều hôm cả cô và trò cùng mướt mát mồ hôi. Rồi mưa xuống, nước từ bốn phương đổ ngược hết vào trong lớp. Mưa lớn, gió tạt mạnh nên có lớp mà như không...

“Hơn một tháng vào học mà gần chục lần chạy nắng, chạy mưa. Cứ vài ba ngày lại một lần sơ tán. Nhưng nhà trường, địa phương cũng nỗ lực lắm mới được vậy. Tôi là giáo viên, phải dạy trong điều kiện này rất khó. Nhưng chỉ biết cố gắng bằng mọi cách để các em có một giờ học ổn định, bình thường” -  cô Hưng tâm sự.

Huổi Lếch hiện là xã biên giới thuộc diện khó khăn nhất của huyện Mường Nhé. Theo thầy Vũ Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Huổi Lếch, lớp học bằng tre kể trên là giải pháp tình thế, để ứng phó trước thực trạng gia tăng học sinh trong năm học mới. Bởi năm học này Trường có 474 học sinh; trong đó, 313 em tại điểm chính. Do tiếp nhận thêm điểm bản Pa Tết (từ xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chuyển sang) nên tăng thêm 38 em, rải rác ở các lớp. Điều kiện cơ sở vật chất, phòng học của Trường vốn đã thiếu, nay lại càng thiếu thốn hơn. Trong bối cảnh gấp rút đó, nhà trường đã họp và thống nhất dựng tạm một lớp học bằng tre để giải quyết tình thế trước mắt.

Hơn 1 tuần ròng rã, hơn 20 cán bộ, giáo viên nhà trường vừa đảm bảo nhiệm vụ chung vừa thực hiện sự phân công, điều động. Người vào rừng lấy tre, người đan liếp, căng bạt và dựng lên lớp học. “Vì số lượng tre cần lớn, nên chúng tôi huy động mỗi phụ huynh đóng góp 1 - 2 cây. Thương con em mình, đồng cảm với thầy cô nên bà con hỗ trợ nhiệt tình. Cả quá trình ấy nhiều lần gặp mưa, thầy cô rất vất vả; nhưng ai cũng nỗ lực. Lúc ấy, chỉ cố gắng làm sao kịp hoàn thành trước năm học mới để các em có chỗ ngồi học” -  thầy Huy chia sẻ.

Cũng theo thầy Huy, trên thực tế, ngoài lớp học dựng tạm bằng tre, Trường còn 2 lớp khác phải học tạm tại nhà ăn và nhà văn hóa bản, với gần 80 học sinh. Cơ sở vật chất các lớp này đều trong tình trạng chắp vá, khó khăn tương tự. Để đảm bảo sức khỏe cho trò, hiện nay Trường đang xây dựng phương án dồn phòng ở nội trú để ưu tiên, bố trí phòng học.

“Tuy nhiên, đây là phương án bất đắc dĩ, vì học sinh ở nội trú cũng đang quá tải. Mỗi phòng có 10 em, nếu dồn nữa sẽ rất chật hẹp. Từ giờ đến hết mùa đông, nếu chưa được đầu tư xây dựng thì chúng tôi cũng không còn cách nào khác. Không thể để học sinh co ro cả ngày trong lớp học trống huơ trống hoác như thế được. Sức khỏe các em là trên hết” -  thầy Huy trăn trở.

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Ngoài Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Huổi Lếch, hiện nay trên địa bàn còn một số cơ sở cũng gặp khó khăn tương tự. Đặc biệt là về cơ sở vật chất, hạ tầng nhà lớp học, bán trú. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương hạn chế nên ngành chưa thể bố trí kinh phí đầu tư, xây dựng đáp ứng nhu cầu. Do vậy, ngành đang đẩy mạnh kêu gọi từ nguồn xã hội hóa và rất mong sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà hảo tâm, để học sinh vùng khó được học tập, sinh hoạt trong điều kiện tốt hơn.

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top