Tỷ lệ sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM còn thấp

16:24 - Thứ Tư, 03/01/2024 Lượt xem: 2254 In bài viết

Quy mô tuyển mới trình độ đại học ngành STEM ở Việt Nam tăng khá trong 3 năm trở lại đây, song còn thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và châu Âu.

Cả nước hiện có 172 cơ sở đào tạo thuộc 150 cơ sở giáo dục đại học đầu mối có đào tạo trình độ đại học các ngành STEM, tuy nhiên, quy mô đào tạo giữa các cơ sở khác nhau.

Các ngành học STEM ngày càng thu hút sinh viên.

Cụ thể, trong 150 cơ sở giáo dục đại học đầu mối thì 30 cơ sở (chiếm 20%) có quy mô đào tạo lớn hơn 6 nghìn sinh viên STEM và đóng góp gần 75% tổng số sinh viên STEM cả nước; 75 cơ sở (chiếm 50%) có quy mô đào tạo nhỏ hơn 1 nghìn sinh viên và chỉ đóng góp dưới 5% tổng số sinh viên STEM toàn quốc…

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chương trình chất lượng cao được các cơ sở đào tạo quan tâm đầu tư và có sức thu hút tốt đối với sinh viên lĩnh vực STEM. Tuy nhiên, quy mô và tỷ lệ sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM của Việt Nam còn thấp. Cụ thể, tính theo dân số, số sinh viên đại học theo học lĩnh vực STEM của Việt Nam chỉ đạt khoảng 55 sinh viên/vạn dân, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và châu Âu.

Quy mô tuyển mới trình độ đại học ngành STEM tăng khá trong 3 năm trở lại đây, tuy nhiên, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có nhu cầu nhân lực lớn như: Máy tính và công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật; kiến trúc và xây dựng.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ sinh học..., Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị dự thảo đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II-2024.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với việc triển khai đề án, Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các giải pháp mở rộng, nâng cao hiệu quả đào tạo các ngành chất lượng cao nhằm thu hút sinh viên theo học các ngành STEM như hỗ trợ tài chính cho người học; có chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo; hỗ trợ việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp; xây dựng cơ chế đãi ngộ cho đội ngũ giảng viên, nhà khoa học…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top